Tư Mã Ý nổi tiếng là người đa mưu túc kế, giúp nhà Tào Ngụy giữ vững vị thế thời Tam quốc. Ông được coi là người có công trong việc lập đồn điền, làm thủy lợi giúp Tào Ngụy phát triển kinh tế.
Về sau ông phát động cuộc chính biến Cao Bình Lăng, nắm lấy quyền lực. Đến khi cháu nội Tư Mã Viêm soán ngôi Tào Ngụy xưng đế, lập ra nhà Tấn, Tư Mã Ý được truy tôn làm Cao Vũ Tuyên Hoàng Đế.
Theo Qulishi, là con thứ trong số 8 người con trai của Tư Mã Phòng, Tư Mã Ý sinh vào thời loạn nên "trong lòng thường đau đáu chuyện thiên hạ". Năm Ý 20 tuổi, Thái thú Nam Dương là Dương Tuấn gặp Tư Mã Ý, thấy không phải là người tầm thường nên có ý trọng dụng.
Năm 201, Ý được tiến cử và được Tào Tháo bổ nhiệm, cho vào trong phủ giữ chức. Tư Mã Ý thấy vận nhà Hán đã suy, không muốn làm việc dưới trướng Tào Tháo bèn lấy cớ bị trúng gió để cự tuyệt.
7 năm sau, khi trở thành Thừa tướng, Tào Tháo buộc Tư Mã Ý giữ chức một chức quan với lời đe "nếu không sẽ bắt giam".
Dần dần, Tào Tháo thấy Tư Mã Ý là người có chí lớn, liền căn dặn Tào Phi: "Tư Mã Ý là kẻ không cam chịu làm thần, tất sẽ can dự vào việc lớn".
Tháng 7/217, Tôn Quyền muốn chiếm Hợp Phì, quân Ngụy phải điều động xuống Hoài Nam để phòng thủ. Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu thừa cơ dẫn đại quân vây hãm Tào Nhân, dùng thủy công dìm chết đạo quân tiếp viện của Vu Cấm, chém Bàng Đức.
Giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", Tào Tháo định dời đô, nhưng Tư Mã Ý kịp can: "Vu Cấm chết, không phải là sai lầm chiến trận, không gây tổn thất lớn đến đại cục".
"Lưu Bị và Tôn Quyền ngoài thì thân, nhưng trong rất sơ, nay Quan Vũ hoành hành, Tôn Quyền nhất định không vui. Hãy thông báo chuyện này cho Tôn Quyền biết để kiềm chế Quan Vũ, Phàn Thành sẽ được giải nguy".
Tào Tháo nghe theo, quả nhiên Tôn Quyền cử Lã Mông tập kích chiếm Kinh Châu, Quan Vũ bị bắt, giết.
Dưới thời Tư Mã Ý, Tào Ngụy không ít lần ngăn Đông Ngô động binh, lại cầm chân Thục Hán, khiến Gia Cát Lượng bị bệnh mà chết.
Năm 239, Tào Duệ - hoàng đế thứ hai của nhà Ngụy trước khi qua đời gửi gắm con nuôi 8 tuổi là Tào Phương cho Tư Mã Ý và con nuôi của Tào Tháo là Tào Sảng. Lúc đầu, Tào Sảng kính trọng Tư Mã Ý như cha, nhưng sau đó muốn độc chiếm quyền lực, gạt Ý sang một bên.
Tư Mã Ý biết điều này nên đành nhẫn nhịn, thậm chí có lúc xin cáo ốm về quê. Năm 249, nhân lúc Tào Sảng tháp tùng Tào Phương rời Lạc Dương, Tư Mã Ý đã phát động cuộc chính biến, nắm quyền lực ở kinh thành.
Tào Sảng hoảng sợ không biết phải làm thế nào, đành chọn cách đầu hàng, với lời hứa của Tư Mã Ý rằng sẽ giữ nguyên quyền lực cho mình. Tư Mã Ý sau đó nuốt lời, lệnh hành quyết Tào Sảng cùng tất cả gia tộc vì tội mưu phản.
Kể từ đó, mọi quyết sách của Tào Ngụy đều phải thông qua Tư Mã Ý. Năm 251, Tư Mã Ý chết vì bệnh, hưởng thọ 73 tuổi. 14 năm sau, cháu nội ông là Tư Mã Viêm tiếm ngôi Tào Phương, xưng đế, lập nên triều Tây Tấn, truy tôn Tư Mã Ý là Cao Tổ Tuyên Đế.
Theo KK News, đầu tiên, khi phò giúp Tào Phi, Tư Mã ý không hề để ý đến những cuộc vui trong phủ. Mỗi lần Tào Phi uống rượu vui thú, Tư Mã Ý lại xuống bếp nấu cơm với vợ là Trương Xuân Hoa.
Ông nói với vợ: "Tiệc bên ngoài có lớn đến mấy suy cho cùng thì cơm ăn vẫn không ngon, chung quy cơm nhà vẫn là ngon nhất".
Thứ hai, Tư Mã Ý luôn có lòng kính trọng những đối thủ của mình như Gia Cát Lượng, thậm chí còn không để tâm những người đã từng hại mình, cả một cuộc đời sống trong chữ "hòa".
Sau khi Lượng chết, Tư Mã Ý lấy nước thay rượu tế Khổng Minh, nước mắt tuôn trào. "Ông một đời thanh bạch, giống như bát nước vậy, tuy tôi với ông là địch thù với nhau, nhưng tôi luôn coi ông là tri ân, Khổng Minh, để tôi kính ông một lời, Tiên Sinh!", Tư Mã Ý nói.
Thứ ba, từng bại trận trước Gia Cát Lượng, hai người con của Tư Mã Ý đứng ngồi không yên, nôn nóng muốn báo thù rửa hận cho cha.
Tư Mã ý bèn nói rằng: "Các ngươi đến đánh trận hay là đến đọ khí thế với người. Đánh trận, cái đầu tiên phải học là giỏi thua, thua mà không nhục, thua mà không đau, mới là kẻ cười sau cùng".
Thứ tư, sau khi Tào Duệ chết, Tào Sảng ngày càng độc đoán chuyên quyền. Đối mặt với hàng loạt các sự việc ép bức người, học trò của Tư Mã Ý nói, với mong muốn ông giành lại địa vị của mình trong triều: "Thưa thầy, thầy chịu ngồi cái vị trí Thái Phó mà bàn luận đạo lý hay sao?"
Tư Mã Ý không làm gì cả và nói: Con người ta, không được hèn nhát, nhưng cũng không thể không biết kính sợ, phải biết kính sợ đối thủ của mình".
Thứ năm, Tư Mã Chiêu từng nóng giận nói với cha rằng, Tào Sảng thật quá đáng, đây chính là sự sỉ nhục với nhà Tư Mã.
Tư Mã Ý nghe vậy bình tĩnh đáp: "Tào Sảng đem so với Gia Cát Lượng thì thế nào?" Tư Mã Chiêu đáp: "Như con kiến".
Tư Mã Ý nói: "Đem đá chọi đá với đứa ngu thì đầu chỉ có chảy máu, chẳng phải quá ngu sao? Con người sống trên đời khó tránh được việc ngồi chung chiếu với kẻ ngu, mình phải học cách cúi đầu trước chúng".