Theo sách "Đại Việt thông sử", Lý Triện (Lý Triện được ban quốc tính nên sử cũ cũng thường chép là Lê Triện) là người làng Bái Đô, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hiện vẫn chưa rõ ông sinh vào năm nào. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, cùng với thân phụ là Lý Ba Lao, ông đã nhiệt liệt hưởng ứng và ở bên cạnh Lê Lợi ngay trong những ngày gian khổ đầu tiên.
Đến với Lam Sơn, Lý Triện được Lê Lợi hết lòng yêu quý và tin cậy. Ông được giao trách nhiệm chỉ huy một đơn vị nghĩa binh. Đáp lại Lý Triện cũng đã tuyệt đối trung thành và anh dũng chiến đấu vì đại nghĩa cứu nước cứu dân. Càng về sau, tài năng quân sự của Lý Triện càng bộc lộ rõ nét hơn. Trên đại thể, chúng ta có thể phác họa những cống hiến của ông đối với cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại đầu thế kỷ XV qua mấy sự kiện chính yếu sau đây:
Sự kiện thứ nhất xảy ra vào năm Canh Tý (1420), bấy giờ tướng giặc là Lý Bân và Phương Chính cho quân băng qua đất Quỳ Châu (nay thuộc tỉnh Nghệ An) để rồi từ đó vòng lên đánh vào lực lượng của Lam Sơn khi ấy đang đóng tại Mường Thôi. Lý Triện được lệnh cùng các tướng Nguyễn Lý và Phạm Vấn, đem quân ra đánh cản bước tiến của quân Minh, tạo điều kiện cho Lê Lợi có đủ thời gian để bố trí một trận đồ mai phục tại khu vực Bồ Mộng. Lý Triện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bình Định vương Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn hết lời khen ngợi.
Sự kiện thứ hai xảy ra vào năm Nhâm Dần (1422), năm ấy nghĩa quân Lam Sơn đã đập tan cuộc tấn công rất bất ngờ lại rất hiểm hóc của Ai Lao và sau đó, rút về đóng tại Quan Gia. Một lần nữa, giặc Minh và Ai Lao lại phối hợp với nhau đề đánh vào Quan Gia. Trước cuộc tấn công quyết liệt này, Lê Lợi cho quân rút lui về Khôi Huyện. Giặc tức tốc cho quân truy đuổi và nhanh chóng bao vây địa điểm đóng quân của Lê Lợi ở Khôi Huyện. Một cuộc ác chiến đã diễn ra. Trong trận ác chiến này, Lý Triện và các tướng Lê Lĩnh, Phạm Vấn đã lập công lớn. Lý Triện chém đầu Phùng Quý rồi cắm vào cây giáo dài giơ lên cao khiến cho quân giặc trông thấy mà hoảng sợ, chạy tán loạn. Tướng chỉ huy quân Minh bỏ chạy về thành Đông Quan, tù trưởng quân Ai Lao cũng theo đường rừng mà trốn về. Nhờ đó mà phá được vòng vây của giặc, thoát khỏi "tử địa".
Sự kiện thứ ba xảy ra vào đầu năm Ất Tỵ (1425), khi ấy Đinh Lễ được lệnh ra đánh Diễn Châu. Ngay sau khi Đinh Lễ xuất quân, Lê Lợi lại sai Lý Triện cấp tốc lên đường đi tiếp ứng. Lý Triện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hơn thế nữa, ông còn chủ động đem quân ra vây hãm thành Tây Đô. Nhờ công lao này, Lý Triện được Lê Lợi phong tới hàm Thiếu úy.
Sự kiện thứ tư xảy ra vào mùa Thu năm Bính Ngọ (1426), bấy giờ trên cơ sở phân tích những biến đổi ngày càng sâu sắc của tình hình chung, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn sai một loạt các tướng đem một vạn quân, chia làm ba đạo cùng luồn sâu vào khu vực còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động và dọn đường cho cuộc tấn công của Lam Sơn sau này.
Lý Triện vinh dự được cùng các tướng lừng danh khác như Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Đỗ Bí chi huy đạo quân thứ nhất. Đạo này gồm hơn 3.000 quân sĩ và một thớt voi, có nhiệm vụ bí mật băng qua khu vực thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay rồi tiến xuống trực tiếp uy hiếp mặt nam của thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ đến từ hướng Vân Nam (Trung Quốc). Đây là đạo quân đã lập được nhiều chiến công vang dội nhất. Vừa tiến ra Bắc, họ đã đánh thắng ba trận lớn. Trận thứ nhất ở Ninh Kiều (nay thuộc Hà Nội). Trận thứ hai ở Nhân Mục (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Và trận thứ ba ở Xa Lộc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Sau ba trận thắng lớn đó, đạo quân thứ nhất đã nhanh chóng biến Ninh Kiều thành một khu căn cứ rất lợi hại cho mình.
Lý Triện được các sử gia đương thời đánh giá là bậc giàu tài năng, dũng lược hơn người và là một trung thần hiếm có. Ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Lê Sơ. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu và là một trong 19 người dự "Hội thề Lũng Nhai". Ông luôn theo giúp Lê Lợi trong thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa và đã từng trải không biết bao nhiêu gian nan, nguy hiểm. Và ông là một trong những vị tướng đã có chiến công tạo nên các bước ngoặt lịch sử của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược nhà Minh, đồng thời có nhiều đóng góp quý cho kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
Tiếc rằng một dũng tướng có nhiều tài năng, một con người trung can nghĩa đảm và lập nhiều công lao to lớn nhưng đã ngã xuống khi cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại sắp đến ngày toàn thắng. Cái chết của ông là một tổn thất lớn của nghĩa quân Lam Sơn. Và sự hy sinh anh dũng của ông cùng với hàng ngàn, hàng vạn tướng sĩ ngày ấy đã tạo nên chiến thắng vĩ đại của nghĩa quân Lam Sơn. Và thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng về kinh tế, văn hóa và quân sự dưới triều đại Lê Sơ. Điều đọng lại sau giai thoại trên là hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau phải biết làm gì để xứng với truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên mình.