Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên Lê Duy Kỳ - vị vua thứ 16 và là ông vua cuối cùng của nhà Lê Trung hưng, thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng giêng năm 1789. Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.
Chính vì vậy, Lê Chiêu Thống không những bị lịch sử kết tội là hạng người "rước con voi Mãn Thanh về giày mả tổ Việt Nam" để phục hồi quyền lực cho cá nhân mà còn bị dân tộc Việt Nam hết sức khinh bỉ về hành động trả thù những người có quan hệ với nhà Tây Sơn. Những hành động trả thù hèn hạ của tên vua phản quốc này được ông Hoa Bằng kể lại trong cuốn "Quang Trung Nguyễn Huệ anh hùng dân tộc 1988-1792" như sau:
Sau ngót một tháng đã lấy lại được kinh thành Thăng Long, nhưng hiệu lệnh của vua Lê chỉ choèn choèn ở 5 lộ Ứng là Ứng Hòa, Ứng Thường (Thường Tín), Ứng Từ (Từ Sơn), Ứng Thuận (Thuận Thành) và Ứng Quảng (Quảng Oai) mà thôi. Còn từ Trường Yên (Ninh Bình) trở vào Nam đều bị ngăn cách, không thông tin tức được. Theo An Nam nhất thống chí, Lê Chiêu Thống - một người có tính hẹp hòi, khắc nghiệt, sau khi nhờ sức quân Thanh, lấy được Thăng Long thì làm luôn những việc báo ân, trả oán cốt thỏa tư ý yêu ghét thiên lệch và riêng theo tình cảm cá nhân, chứ chẳng cân nhắc bằng lý trí để đặt quốc gia trên hết. Trong dịp này, Chiêu Thống lộ hết cái bản tướng bất xứng chức. Hồi tháng 11 năm Chiêu Thống thứ hai (Mậu Thân - 1788), vua Lê trị tội những người xuống hàng Tây Sơn. Bấy giờ trong họ nhà vua có người tòng nữ kết duyên với tướng Tây Sơn đã có thai, vậy mà vua Lê sai mổ bụng, lấy thai, giết chết cả hai mẹ con vô tội. Chính Chiêu Thống lại sai chặt chân ba người hoàng thúc quăng ra giữa chợ trong cung.
Ấy là không kể những vụ như: Giết Phan Như Tụy, trấn thủ Tuyên Quang, vì Tụy bắt hoàng đệ Duy Lưu đem nộp Tây Sơn và khép phò mã Dương Bành vào tử hình vì Bành dẫn quân đàng trong đuổi bức ngự giá. Ngoài ra, vua Lê còn cách tuột Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà bắt hoàn làm dân, bãi tước quận công của Nguyễn Hoản, giáng Phan Lê Phiên xuống làm Đông Các học sĩ và Mai Thế Uông xuống chức Tư huấn. Mấy việc làm này chẳng những làm cho lòng người nôn nao ngờ vực và không nhất tâm, lại còn khiến cho bà Thái Hậu (mẹ vua Chiêu Thống) đau đớn tức bực nữa. Trước đó, khi Thái hậu từ bên Mãn Thanh về đến Thăng Long, nghe biết những việc ngang trái của vua Lê, bà phát bẳn lên rằng:
- Ta cay đắng mới xin được quân cứu đến đây. Nước nhà phỏng được mấy phen cứ trả ân báo thù để phá hoại thế này! Hỏng đến nơi rồi!
Nói rồi bà kêu khóc, không chịu vào cung. Tụng thần là Nguyễn Huy Túc khuyên giải mãi, bấy giờ bà mới thôi. Đến khi ban thưởng, chia chức, Lê Chiêu Thống chỉ "rảy mưa móc" cho bọn bầy tôi hoặc tòng vong hoặc ở nơi hành tại gia thăng cho bầy tôi là Đinh Dữ lên Lại bộ Thượng thư Bình chương sự, Lê Duy Đào và Vũ Trinh lên Tham tri Chính sự. Nguyễn Đình Giản lên Binh bộ Thượng thư Tri khu Mật Viện sự, Nguyễn Duy Hiệp và Châu Doãn Lệ lên Đồng tri Khu mật Viện Sự, Trần Danh Án lên Phó đô Ngự sử, Lê Quýnh lên Trung quân Đô đốc Trường Phái Hầu... chứ không nghĩ gì đến những cựu thần và hào kiệt các nơi. Vì vậy, nhiều người thất vọng và ngã lòng.
Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà, chỉ một trận quét sạch 29 vạn quân Thanh và Lê Chiêu Thống lại chạy theo bại quân nhà Thanh. Chiêu Thống lại tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhà Thanh phần sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến, chỉ hứa hão với Lê Chiêu Thống mà không cho quân. Tháng tư năm đó, theo lời tâu của Hòa Thân và Phúc Khang An, Càn Long phong Nguyễn Huệ là An Nam quốc vương và nhận tiếp sứ của nhà Tây Sơn.
Tháng 5 năm Nhâm Tý, tức năm Càn Long thứ 57 (1792), con trai chết, Lê Chiêu Thống thất vọng và chán nản, lâm bệnh rồi qua đời ngày 16/10/1793 tại Yên Kinh (Trung Quốc).
Lời bàn về Lê Chiêu Thống
Lê Chiêu Thống là vị vua thứ 16 và cũng là ông vua cuối cùng của nhà Lê Trung hưng. Trong số các vị vua bất tài vô đức của Việt Nam, Lê Chiêu Thống là người bị nguyền rủa nhiều nhất vì hành động "rước voi về giày mả tổ", "cõng rắn cắn gà nhà". Nếu Trần Ích Tắc là một "gian thần" thì Lê Chiêu Thống quả đúng là "gian quân", vì đã cam tâm dâng hiến cơ đồ của cha ông để đổi lấy vinh hoa phú quý cho cá nhân và gia đình mình. Và Lê Chiêu Thống không những bị lịch sử kết tội là hạng người "bán nước" để phục hồi quyền lực cho cá nhân, mà còn bị dân chúng đương thời khinh bỉ về hành động trả thù đối với những người có quan hệ với nhà Tây Sơn.
Theo sử cũ thì Lê Chiêu Thống tuy là người có học nhưng lại không phải là người có thực tài. Đã vậy, ông ta lại còn là kẻ tham quyền cố vị, là người sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, chà đạp lên nhân cách và hèn mạt hơn nữa là dám bán rẻ Tổ quốc với ảo tưởng dựa vào ngoại bang để cầu vinh hưởng lạc. Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu quyền lực mà trao nhầm địa chỉ cho những kẻ bất tài, không có nhân cách và hẹp hòi, ti tiện... thì quả là cực nguy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.