Phạm Vấn - công thần khai quốc nhà Lê Sơ, quê ở đâu?
Phạm Vấn - công thần khai quốc nhà Lê Sơ, quê ở đâu?
N.V
Thứ bảy, ngày 17/08/2024 23:30 PM (GMT+7)
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Phạm Vấn là công thần khai quốc nhà Lê Sơ. Ông là người tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa và ông đã theo giúp Lê Lợi trong thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa.
Theo sách "Đại Việt thông sử", Phạm Vấn người thôn Nguyễn Xá, huyện Lương Giang (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Sử cũ chỉ cho hay là ông mất vào năm 1436, nhưng không cho biết ông sinh vào năm nào, nên chưa rõ đến lúc mất Phạm Vấn được hưởng thọ bao nhiêu. Phạm Vấn đến Lam Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo ngay từ những ngày đầu tiên. Ông là tướng trực tiếp cầm quân, từng lập nhiều chiến công xuất sắc. Hệ thống những dòng ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể sơ bộ hình dung sự nghiệp của ông đại để như sau:
Sau khi giết được Lê Lai (mà giặc hí hửng tưởng đó là Lê Lợi), quân Minh rút về Tây Đô, còn Lê Lợi và nghĩa sĩ của mình thì bí mật trở lại Lam Sơn để dưỡng sức và chỉnh đốn lực lượng, đồng thời lo tích trữ lương thực và thực phẩm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Nhưng ở Lam Sơn chưa được bao lâu thì Lê Lợi đã phải đối phó quyết liệt với những cuộc càn quét mới của giặc. Năm 1420, đích thân tên Việt gian người Quỳ Châu (Nghệ An) là Cầm Lạn đã dẫn quân lính vào Lam Sơn. Sử cũ chép về sự việc này như sau:
- Năm Canh Tý (1420) giặc Minh lại đem đại binh đến. Lê Lợi đoán rằng, vào khoảng giờ Mùi, thế nào bọn chúng cũng sẽ đến Bến Bổng, bèn hạ lệnh đặt phục binh sẵn ở đấy để đợi. Quả đúng giờ Mùi, giặc kéo đến rất đông. Phục binh ta khắp bốn mặt cùng nổi lên. Giặc tan vỡ. Ta chém được nhiều không kể xiết, lại bắt được hơn 100 con ngựa và đem các thứ quân trang của giặc đốt hết.
Cũng năm ấy (tức năm 1420) có tên giặc vốn người trong nước là Cầm Lạn dẫn đường cho bọn tướng lĩnh nhà Minh là Lý Bân và Phương Chính từ địa phương của Cầm Lạn (tức là từ đất Quỳ Châu, Nghệ An) tiến thẳng vào đất Mường Thôi (thuộc Thanh Hóa) để đánh Lê Lợi. Trước hết, Lê Lợi sai Lê Triện (tức Lý Triện), Lê Lý (tức Nguyễn Lý) và Lê Vấn (tức Phạm Vấn), đem chừng mấy trăm quân đến Bồ Mộng để chờ đánh. Giặc đến, quân ta lập tức nổi lên. Giặc thua to. Ta chém được hơn 300 tên.
Quy mô của trận Bồ Mộng tuy không lớn nhưng đây là một trong những trận quan trọng của Lam Sơn trong giai đoạn đầu - giai đoạn hoạt động ở vùng rừng núi phía tây Thanh Hóa (từ đầu năm 1418 đến giữa 1423). Thắng lợi của trận Bồ Mộng đã khiến quân Minh không được phép chủ quan và coi thường Lam Sơn. Từ trận Bồ Mộng, tài năng quản sự của Phạm Vấn bắt đầu được khẳng định.
Khi mới khởi nghĩa, Lê Lợi đã thiết lập được mối quan hệ rất tốt đẹp với quốc vương của Ai Lao. Chính Ai Lao đã từng giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn một cách rất hào hiệp và có hiệu quả. Nhưng sau vì âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cộng với sự xúi giục của một số kẻ phản dân hại nước, Ai Lao liền thay đổi thái độ. Năm 1422, Ai Lao đã liên minh với quân Minh để tấn công đàn áp nghĩa quân Lam Sơn. Trận đánh xảy ra một cách hết sức bất ngờ và sử cũ chép lại sự việc này như sau:
Đến năm Nhâm Dần (1422), quân Minh hẹn với quân Ai Lao hai mặt cùng đánh. Lê Lợi lui quân về đóng ở Sách Khôi. Giặc lại đến đánh và tình thế lúc đó rất nguy cấp. Vua khích lệ các tướng và quân sĩ cố sức chiến đấu. Khi ấy, Phạm Vấn cùng các tướng như Lê Hào, Lê Lĩnh... liều mình xông lên phía trước phá thế trận của giặc, chém được tướng giặc là Phùng Quý và hơn 1.000 sĩ tốt của hắn. Mã Kỳ và Trần Trí đều chạy thoát. Ta thu được hơn trăm con ngựa. Sau đó, Lê Lợi lui quân về đóng ở núi Chí Linh, bị hết lương trong hai tháng. Phạm Vấn vỗ về quân sĩ và luôn hầu cận Lê Lợi nên được phong là Thượng tướng quân. Cũng từ đây, ông là một trong những tướng chỉ huy cao cấp của Lam Sơn.
Lời bàn về Phạm Vấn
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Phạm Vấn là công thần khai quốc nhà Lê Sơ. Ông là người tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa và ông đã theo giúp Lê Lợi trong thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Phạm Vấn thuộc số rất ít các công thần khai quốc nhà Lê nhưng không phải là người thân thuộc trong hoàng tộc. Ngay sau ngày lên ngôi hoàng đế, đích thân Lê Lợi đã viết trong văn bia ghi công lao của ông như sau: Thẳng mà tiết tháo; Quyết đoán mà đa mưu; Nếm mật nằm gai, ngươi từng dốc chí. Giành đất, hạ thành... biết mấy công lao... Và trong số công thần khai quốc, ông là người đứng đầu - Đệ nhất công thần. Ông sống qua thời Lê Lợi nhưng công danh giữ được trọn vẹn, không bị tai vạ, nghi ngờ từ phía nhà vua và các quần thần, đồng thời ông gần như không có xung đột, xích mích với các phe cánh quan lại trong triều đình.
Và chỉ với nhiêu đó cũng đã quá đủ để hậu thế đời đời phải kính cẩn trước uy danh và tôn vinh tài năng xuất chúng cùng tấm lòng trung quân ái quốc của ông. Tuy nhiên, điều đọng lại sau giai thoại này mà hậu thế thời nay phải suy ngẫm là "Thần thiêng nhờ bộ hạ", tức Lê Lợi làm nên nghiệp lớn là có những người như Lê Lai, Phạm Vấn, Nguyễn Xí, Phạm Văn Xảo... ra sức phò tá. Song trong lịch sử nhân loại nói chung và của dân tộc ta nói riêng, không phải ai cũng quy tụ được hào kiệt khắp nơi để cùng chí hướng với mình. Thế mới hay rằng, tài năng của Lê Lợi xứng danh là anh hùng dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.