Theo thống kê của VMBA, có tới 22.750 tỷ đồng trái phiếu phát hành từ mảng Ngân hàng (chiếm 87,7% tổng giá trị trái phiếu phát hành); 2.090 tỷ đồng trái phiếu đến từ mảng Bất động sản và còn lại 1.096 tỷ đồng đến từ mảng Tài chính.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 212.512 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,7% tổng giá trị phát hành) và 195 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 189.739 tỷ đồng (chiếm 89,3% tổng số).
Các doanh nghiệp đã mua lại 1.502 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 111.910 tỷ đồng, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 70,4% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 78.829 tỷ đồng).
Trong tuần, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trung bình ngày đạt 2.738 tỷ đồng, giảm 3,44% so với tuần trước. Các tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu (3.627 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (1.588 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP An Bình (1.057 tỷ đồng). Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 608.000 tỷ đồng.
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 120.336 tỷ đồng. 40,1% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 48.245 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 19.098 tỷ đồng (chiếm 15,9%).
Trong ngắn hạn (19-25/8) ghi nhận có 6 lô trái phiếu sẽ đến hạn đến từ mảng Chứng khoán, Ngân hàng, Tài chính, Năng lượng, Giáo dục và Bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tuần là 3.105 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, VBMA ghi nhận có 3 đơn vị đã lên kế hoạch huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III và IV năm 2024 với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Tiếp theo là, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không tài sản đảm bảo với giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Cuối cùng là Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu lần 3 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 900 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm với lãi suất cố định 8%/năm.
Ngoài ra, về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 14/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 17.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở nhiều kỳ hạn. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm trúng thầu toàn bộ, và tỷ lệ trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm lần lượt đạt 4% và 20%.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 14/8, Kho bạc Nhà nước đã huy động 219.327 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm, đạt khoảng 54,8% kế hoạch phát hành 400.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong tuần này (19-23/8), Kho bạc Nhà nước sẽ gọi thầu 13.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, ở các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ), 10 năm (7.000 tỷ), 15 năm (5.000 tỷ) và 20 năm (500 tỷ).
Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch (GTGD) đạt 49,116 tỷ đồng, trong đó GTGD thông thường (outright) trung bình ngày giảm 13,4% so với kỳ trước, GTGD mua bán lại (repo) trung bình ngày giảm 20,6% so với kỳ trước. Khối ngoại mua ròng khoảng 143 tỷ đồng trong kỳ báo cáo. Lợi suất trung bình TPCP tại phòng giaodịch của VBMA so với tuần trước giảm ở hầu hết các kỳ hạn.