Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 16/8, tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững", các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích về cơ hội, rủi ro, và thách thức đối với thị trường trái phiếu.
Đánh giá về thị trường trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và chúng cần nhận diện đầy đủ".
TS. Cấn Vấn Lực nêu ra một số vấn đề. Một là, vấn đề niềm tin cần thời gian để phục hồi.
Mặc dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua nhưng cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Hai là, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao.
Theo VIS Ratings ước tính, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Kỳ vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024-2025 và đà phục hồi sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần.
Ba là, rủi ro lan truyền và liên thông giữa thị trường ngân hàng – chứng khoán – BĐS vẫn luôn tiềm ẩn.
Bốn là, quy mô của thị trường còn nhỏ.
Năm là, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển chủ yếu dựa vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Theo VBMA, tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%, và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn.
Sáu là, cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Ngân hàng thương mại hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán,…còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Bảy là, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư… chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời; Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung mới đưa vào vận hành được hơn 1 năm,... cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý và tính thanh khoản của thị trường.
Tám là, việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định cao hơn, liệu có còn là rào cản đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hay không là chưa rõ do chưa có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể kể từ khi quay lại áp dụng từ đầu năm 2024 đến này.
Chín là, nhận thức và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng còn hạn chế, dẫn đến dễ xảy ra tâm lý đám đông, đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, bất chấp rủi ro.
Từ các thực tế trên, TS. Cấn Văn Lực đề cập các giải pháp để phát triển, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 là tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....
Ngoài ra, cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; Hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; Quan tâm quản lý rủi ro; Chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành.
Có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.
Nói về hành lang pháp lý, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, khi xảy ra vụ việc lớn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian sau đó số lượng phát hành giảm mạnh.
"Việc điều hành giật cục, không đủ hành lang pháp lý cụ thể trong bối cảnh nhiều rủi ro sẽ không giải quyết được vấn đề, đây là điều UBCKNN cần lưu ý", GS.TSKH. Nguyễn Mại nhận định.
GS.TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, dư địa phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn. Để giảm gánh nợ cho ngân hàng, theo ông Mại cần điều chỉnh tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong GDP.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh cho rằng: "Trong tổng tài sản của thị trường tài chính thì ngân hàng vẫn chiếm 95%".
"Như vậy, trong tổng cấu trúc thị trường thì chứng khoán còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đồng nghĩa với việc, vai trò của Ủy ban Chứng khoán là rất lớn", TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều này cũng cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào các nhà băng. Cấu trúc tổng tài sản ngân hàng hiện nay cũng rất chênh lệch, khuyến khích cho vay doanh nghiệp, không cho vay tiêu dùng, trong khi châu Âu, cho vay tiêu dùng là 60 - 70%/tổng tín dụng.
"Dư địa của thị trường vốn hiện nay là rất lớn. Hiện nay, tôi được biết hồ sơ phát hành trái phiếu, hồ sơ niêm yết còn tồn đọng nhiều. Điều này có thể do một phần xuất phát từ số lượng nhân sự cơ quan quản lý còn hạn chế, người không đủ để giải quyết nhanh hồ sơ. Đây cũng là điều cần khắc phục", ông Nghĩa nói.
Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, ông cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản.
Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.