Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi. Riêng TP.HCM có gần 600 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong. Diễn biến dịch sởi phức tạp khiến Sở Y tế TP.HCM đang kiến nghị UBND công bố dịch sởi tại địa phương này.
Ông Đức đánh giá, tháng 9 là mùa tựu trường, nguy cơ trẻ em mắc bệnh sởi và lây truyền cho nhau là rất lớn. Trong khi đó, đa số trẻ mắc sởi chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm không đủ mũi (2 mũi)...
Để ngăn chặn dịch sởi lan rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với hơn 1 triệu liều vaccine.
Số vaccine này do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.
Nếu như trong Chương trình tiêm chủng mở rộng chri tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi thì trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi lần này, trẻ em từ 1-10 tuổi đều được tiêm, trừ trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi.
Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Ông Đức cho biết, Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do WHO cung cấp và xác định 18 tỉnh, TOP với khoảng 100 huyện nằm trong khu vực có nguy cơ. Như vậy, trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi này, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm cho trẻ ở các tỉnh, TP có nguy cơ bùng phát dịch sởi.
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi của Việt Nam, WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi-rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất.
TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Cũng theo TS Lâm, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh lại xảy ra quanh năm.
“Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine sởi để phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%.Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%.
Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, TS Lâm nhấn mạnh.