TP Hồ Chí Minh đã cần công bố dịch sởi hay chưa?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 22/08/2024 19:23 PM (GMT+7)
Nhiều người đặt vấn đề về việc công bố dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh khi hàng trăm ca sởi bùng phát tại địa phương này.
Bình luận 0

TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện công bố dịch sởi

Số ca mắc sởi ở TP Hồ Chí Minh tăng mạnh. Chiều 22/8, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc TP.Hồ Chí Minh có công bố dịch sởi hay không cần tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo Quyết định 2-2016 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo ông Đức, một địa phương được coi là có dịch khi số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên. 

TP.Hồ Chí Minh đã cần công bố dịch sởi hay chưa?  - Ảnh 1.

Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, TP HCM chỉ có 1 ca bệnh sởi thì đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã có hơn 600 ca sởi. Ảnh minh họa VNVC

Như vậy, hiện nay số ca mắc sởi tại TP Hồ Chí Minh hiện đã vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất, nhưng thành phố cũng đã có kế hoạch và có sự chuẩn bị rất sẵn sàng để phòng, chống dịch. 

"Về chuyên môn, TP HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi, nhưng cũng cần xem xét, đánh giá thêm về khả năng đáp ứng của địa phương mới nên quyết định có công bố dịch hay không. 

Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Theo quy định hiện hành, khi một địa phương công bố dịch, về vaccine và tất cả nguồn lực cần thiết, địa phương đó sẽ phải sử dụng vốn tại chỗ, Trung ương sẽ không hỗ trợ. Trung ương chỉ hỗ trợ vaccine cho chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên", ông Đức nói. 

Trước đó, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế ở Thành phố là 597 ca, trong đó có 346 ca dương tính với sởi (gồm 153 trẻ cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và 193 trẻ cư từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến). Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, TP HCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Theo công bố của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/8, khu vực phía Nam ghi nhận gần 1.500 trường hợp phát ban nghi sởi. Trong số này, số ca được lấy mẫu chiếm 70%, tỷ lệ dương tính với sởi trên 60%. Các chuyên gia dự báo, tình hình diễn tiến của sởi ở các địa phương khu vực phía Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.

Đặc biệt, tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, đều mắc các bệnh lý mạn tính khác. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi. Trong số 3 trẻ tử vong, có 2 trẻ chưa từng tiêm vaccine sởi. Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế tạo TP.Hồ Chí Minh có hàng chục ca mắc sởi đang được điều trị. 

Chiều ngày 11/8, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi khi số ca mắc bệnh tăng nhanh và đã có 3 trẻ em tử vong do sởi.

TP.Hồ Chí Minh đã cần công bố dịch sởi hay chưa?  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình. Ảnh BYT

Tiêm vaccine cho trẻ là trách nhiệm của người lớn

Tại Hội nghị trực tuyến hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, diễn ra vào chiều 22/8, tại Hà Nội, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9. 

Theo bà Silvia Danailov, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng chống dịch sởi. Tuy nhiên, việc đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam.

Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu. Trẻ em sắp quay lại trường học vào tháng 9 và có thể khiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn", bà Silvia Danailov cho biết. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Với tên gọi và ý nghĩa của việc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh", tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình.

TP.Hồ Chí Minh đã cần công bố dịch sởi hay chưa?  - Ảnh 3.

Bộ Y tế triển khai Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với hơn 1 triệu liều vaccine (Tiêm vaccine cho trẻ em. Ảnh VNVC)

"Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng"- Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, với nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với hơn 1 triệu liều vaccine.

Số vaccine này do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.

Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trong chiến dịch đặc biệt này, chúng ta mở rộng đối tượng tiêm là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi.

"Chúng tôi đánh giá nguy cơ của 63 tỉnh, thành và thấy rằng, dựa trên bộ công cụ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp, hiện tại đến bây giờ có 18 tỉnh, thành nằm trong nguy cơ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem