Ngoài các phiên thảo luận, trao đổi, ký kết hợp tác, các đại biểu sẽ có chương trình trải nghiệm các tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, bao gồm thăm quan cảnh quan núi đá vôi, các dấu vết địa chất, các danh thắng, di tích lịch sử, trải nghiệm các làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống và nghệ thuật của người dân địa phương
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, việc sở hữu danh hiệu UNESCO là sự công nhận di sản lịch sử, văn hóa, tự nhiên của các địa phương ở Việt Nam, từ đó góp phần hình thành các danh hiệu địa phương, quốc gia, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng cho rằng Hội nghị quốc tế CVĐC lần 8 không chỉ là sự kiện của Cao Bằng mà là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, góp phần định vị Cao Bằng và các địa phương của Việt Nam trên bản đồ dành hiệu UNESCO quốc gia, là dịp quảng bá địa phương, đưa thế giới tới gần Việt hơn.
Tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên sẽ có Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về khoa học tự nhiên tham dự một hội nghị về CVĐC. Bản thân bà Tổng giám đốc UNESCO rất quan tâm đến hội nghị và Việt Nam, nhưng do lịch trình nên không thể tham dự hội nghị.
Ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND Tỉnh Cao Bằng, người đã trực tiếp tới Paris để nhận danh hiệu CVĐC cho biết, CVĐC trên thế giới lớn như Cao Bằng rất hiếm, ranh giới CVĐC chính là biên giới dài 330km của tỉnh Cao Bằng.
Từ khi nhận danh hiệu, trong vùng CVĐC đã xây dựng được hành trình trải nghiệm cho du khách. Cao Bằng luôn theo đuổi quan điểm giữ gìn bảo tồn CVĐC và cộng đồng cư dân phải được hưởng lợi, trực tiếp quản lý CVĐC.
"Chúng tôi không đánh đổi phát triển kinh tế để hủy hoại môi trường và mất bản sắc dân tộc" – ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định.
"Tỉnh có nhiều nỗ lực lớn trong định hướng phát triển của tỉnh thông qua cả nghị quyết đại hội và bằng những việc làm cụ thể để bảo vệ cac di sản địa chất".
Tỉnh có đề án rà soát lại các giá trị địa chất, từ đó thẩm định lại các dự án phát triển kinh tế xã hội, lấy ý kiến chuyên gia xem dự án có ảnh hưởng đến công viện địa chất hay không để xem xét hoặc dừng dự án nếu cần thiết.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho biết, công viên địa chất Cao Bằng độc đáo bởi sự tiến hóa lâu dài của địa chất và sinh thái ở đây. Cao Bằng cũng có nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo, có nhiều nhóm dân tộc thiểu số đa dạng. Công viên địa chất Cao Bằng có ý nghĩa đặc biệt với việc bảo tồn, văn hóa, giáo dục, du lịch sinh thái – ông nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhận xét, Cao Bằng rất chủ động trong tham gia đóng góp triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa. "Cao Bằng là ví dụ rất hay về người dân tham gia vào ngoại giao văn hóa" - ông nói. Ông cho rằng những gì Cao Bằng đã làm được cũng như Hội nghị quốc tế về công viên địa chất sắp tới sẽ là những bước tích cực hiệu quả trong triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa đến 2030.
Công viên địa chất non nước Coa Bằng có diện tích hơn 3.275km2, chiếm gần một nửa diện tích của tỉnh Cao Bằng. Công viên là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên tới hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.