Không thể chấp nhận một quyết định như vậy. "Miễn trừ" nghĩa là có đặc quyền cho những công ty sản xuất hóa chất này - điều đó là không công bằng. Họ đã sản xuất ra chất độc, nhưng để trốn tránh trách nhiệm, họ nói rằng họ không biết đó là chất độc và họ làm theo lệnh của chính phủ. Trong khi đó các tài liệu đã chứng minh họ đều biết rõ điều đó.
* Thưa ông, cộng đồng người Việt tại Pháp đã ủng hộ vụ kiện như thế nào?
- Cộng đồng người Việt tại Pháp rất thất vọng, rất buồn với phán quyết này của tòa phúc thẩm nhưng không nản lòng. Phong trào Việt kiều tại Pháp có truyền thống tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Việt kiều cũng là một bộ phận của dân tộc và cũng có những kinh nghiệm đấu tranh quý báu đó. Chúng tôi hiểu rằng mình cần kiên trì.
Có những người Pháp ủng hộ bà Trần Tố Nga cũng thấy buồn với phán quyết này nhưng họ vẫn sát cánh cùng chúng tôi. Tất cả chúng tôi không nản lòng và sẽ quyết tâm theo đuổi vụ kiện cùng bà Trần Tố Nga.
Như các luật sư đã nói, Tòa án đưa ra một quyết định lỗi thời, đi ngược lại chính nghĩa, trái với tinh thần hiện đại của luật pháp và trái với luật pháp quốc tế. Song 2 luật sư của bà Nga đã phản ứng ngay lập tức và tuyên bố sẽ tiếp tục kiện lên tòa giám đốc thẩm.
Các luật sư đã viết cho bà Trần Tố Nga: Tình đoàn kết anh em của chúng tôi với chị là vĩnh hằng, chung tôi sẽ chiến đấu bên chị đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta hoàn toàn có thể thắng kiện. Đọc bức thư đó chúng tôi rất xúc động.
Liên Hội Việt kiều tại Pháp có 14 hội đoàn, trong đó có Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF). Ngay từ năm 2017 khi bà Trần Tố Nga bắt đầu kiện các công ty hóa chất Mỹ, các hội đoàn đã thành lập Ủy ban về da cam/dioxin ủng hộ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện, tôi là người thay mặt UGVF trong Uỷ ban.
Ngay sau phán quyết của tòa, Liên Hội chúng tôi đã họp qua video, nhất trí sẽ tiếp tục đấu tranh và tin rằng chúng ta có thể thắng kiện.
Lòng tin của chúng ta hoàn toàn có cơ sở. Với cuộc đấu tranh mạnh mẽ của các bên, tháng 11/2023 Quốc hội Bỉ đã ra nghị quyết lần đầu tiên kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Điều đó cho thấy rõ rằng, cuộc đấu tranh bền bỉ của bà Nga, hay các hội đoàn không có sức mạnh của chính giới, nhưng vẫn tác động để quốc hội của một quốc gia thống nhất đưa ra một nghị quyết ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin.
* Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của vụ kiện?
- Quyết định của tòa án vừa qua là quyết định bất lợi, nhưng chúng tôi vẫn coi đây là một thắng lợi ở khía cạnh chúng ta đã đánh tan được sự im lặng. Báo chí trong nước, báo chí quốc tế, báo chí Pháp nói rất nhiều về vụ kiện và vấn đề da cam dioxin mấy hôm nay. Họ cũng phỏng vấn chúng tôi về sự kiện đó, về những đau khổ của người dân Việt Nam, những người chịu hậu quả của chiến tranh hóa học, chất độc da cam/dioxin.
Với những tiếng nói như thế, cũng như thông qua phiên tòa, chúng ta càng đề cao tính chính nghĩa trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga và bộc lộ rõ bản chất xấu xa của việc sử dụng chất da cam/dioxin trong cuộc chiến.
Tôi đã làm công tác đối ngoại cho Hội Người Việt Nam tại Pháp mấy chục năm, tôi tham gia từ thời kỳ Hiệp định Geneve 1954, đến thời kỳ Việt Nam bị một số nước trên thế giới chia rẽ 2 miền, nhân dân ta chịu nhiều đau khổ, đến năm 1975 mới thống nhất đất nước. Qua đó tôi thấy rằng, một trong những lý do góp phần giúp chúng ta chiến thắng chính là dư luận quốc tế.
Trong cuộc đấu tranh ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin, tôi thấy tinh thần đó trở lại, sự yêu mến, thông cảm với các nạn nhân giống sự thông cảm với người dân Việt Nam những năm miền Bắc bị ném bom.
Tôi sống lại thời thanh niên khi ủng hộ cuộc chiến của bà Trần Tố Nga. Tôi thấy trong những người ủng hộ, thành phần Việt kiều trẻ rất nhiều, từ con cháu tôi, con cháu bạn bè tôi, huy động sức mạnh của họ.Trong khi đó xã hội Pháp, tình hình chính trị ở Pháp có những rối ren, khó huy động thanh niên, thì vụ kiện của bà Trần Tố Nga lại ngược lại khi thu hút được giới trẻ.
* Ông có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ về bà Trần Tố Nga?
- Bà Trần Tố Nga nhỏ hơn tôi vài tuổi, tôi coi bà Nga như người em. Bà Nga vừa là thể hiện cuộc đấu tranh cho một vấn đề trong quá khứ, nhưng đó cũng là cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ cho tương lai, cho môi trường, để chống lại các công ty quốc tế sản xuất hóa chất độc hại với nhân loại.
Trần Tố Nga có thể tự hào khi mang hình ảnh của một người mẹ Việt Nam, từ thời thanh niên đi dọc đường Trường Sơn, một người mẹ đã trải qua chiến tranh, có con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Đó là đường đời mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã trải qua.
* Ông có tham dự phiên tòa nào xét xử vụ kiện của bà Nga từ trước tới giờ không?
- Tôi đã dự phiên tòa phúc thẩm ngày 7/5/2024, hôm đó tôi cùng mọi người xếp hàng ngoài đường chờ vào dự phúc thẩm. Đó cũng là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ - đối với bạn bè tiến bộ, với Việt kiều, đó là hình ảnh bước đầu đi đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975.
Hôm đó rất đông người muốn tham dự, không đủ chỗ trong phòng xét xử khá nhỏ. Có tham dự mới thấy bà Trần Tố Nga rất can đảm. Phía bị đơn về số lượng họ có tới mười mấy luật sư, phát biểu vô lễ, không biết nể một phụ nữ 82 tuổi và chỉ có 2 -3 luật sư. Tôi cho rằng phía tòa có cảm tình tối thiểu với con người của bà Nga. Nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định đáng thất vọng như vậy.
Trong lúc xét xử có hàng trăm người xếp hàng bên ngoài, rất đông kiều bào và bạn bè Pháp đến nghe đọc quyết định của tòa án.
Chỉ nói đến số người của phía bên kia đông áp đảo, thái độ của họ, điều đó cho thấy sự bất khuất dũng cảm của bà Trần Tố Nga như thế nào khi đương đầu với các tập đoàn lớn của Mỹ.
* Được biết Hội người Việt Nam tại Pháp có nhiều hoạt động giúp đỡ các nạn nhân da cam trong nước cũng như các hoạt động hỗ trợ, đóng góp trong nước nói chung. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
Phong trào Việt kiều ở Pháp đã tham gia phản đối vấn đề chất hóa học, chất độc da cam/dioxin từ những năm 1960, khi đó tôi còn là sinh viên. Phong trào đã có nhiều sáng kiến, từ vận động bạn bè cùng đấu tranh, tranh thủ các nhà khoa học, các giáo sư đại học, để nói lên tiếng nói chống lại quân đội Mỹ dùng chất độc hóa học trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Một trong những kinh nghiệm của Hội người Việt Nam tại Pháp là cùng làm việc, cùng đoàn kết với các hội đoàn, các đại học để tham gia đầu tranh.
Đến sau giải phóng miền Nam, Hội đã đóng góp, hỗ trợ cho hội nạn nhân da cam/dioxin ở Củ Chi, TPHCM. Năm 2002 chúng tôi có dự án ở Biên Hòa về trao học bổng, đồ dung học tập cho gia đình các nạn nhân. Năm 2003 Liên Hội người Việt Nam tại Pháp có ủy ban chuyên về dioxin và chúng tôi cũng tham gia.
Chúng tôi đã dịch sách của Việt Nam về chất độc da cam, dioxin sang tiếng Pháp, làm việc nhiều với Hội Nạn nhân da cam/dioxin của Việt Nam (VAVA)…
Tôi giờ tuổi đã cao, nhưng tôi mong được thấy những giây phút thắng lợi trước các công ty hóa chất.
Tôi đã thấy nền móng của chiến thắng đó, vì thanh niên Việt kiều, giới trẻ Pháp sẽ tiếp nối cuộc đấu tranh tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh, nói lên những gánh nặng mà Việt Nam từng chịu: Từ chiến tranh thuộc địa, chiến tranh đế quốc, chiến tranh hóa học... Dân tộc ta chịu bao nhiêu đau khổ. Tôi mong thế hệ sau tiếp tục nói lên sự đau khổ và đóng góp của nhân dân Việt Nam với việc xây dựng hòa bình thế giới, xây dựng một thế giới cho một môi trường lành mạnh và tiến bộ.
* Xin trân trọng cảm ơn ông.