Vụ kiện da cam/dioxin của bà Trần Tố Nga: Tiếp tục kháng cáo

V.N Thứ sáu, ngày 23/08/2024 19:34 PM (GMT+7)
Các luật sư của bà Trần Tố Nga là William Bourdon và Bertrand Repolt cho biết, bà có ý định kháng cáo lên Tòa giám đốc thẩm. Các luật sư nói rằng, sau phán quyết của tòa phúc thẩm Paris, bà Nga “thất vọng, nhưng bà ấy là một người đầy trí tuệ. Bà ấy biết đó là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn”.
Bình luận 0

Cuộc chiến tiếp tục

Hãng tin AFP và báo Le Monde của Pháp ngày 22/8 cho biết, Tòa phúc thẩm Paris đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất da cam/dixin.

“Yêu cầu của bà Tố Nga đi ngược lại quyền miễn trừ xét xử mà các công ty (...) được hưởng” - tòa phúc thẩm viết trong phán quyết.

AFP dẫn lời luật sư của bà là William Bourdon và Bertrand Repolt cho biết, bà Trần Tố Nga có ý định kháng cáo lên Tòa giám đốc thẩm. Các luật sư nói rằng, sau phán quyết vừa qua, bà Nga “thất vọng, nhưng bà ấy là một người đầy trí tuệ. Bà ấy biết đó là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn”.

Vụ kiện da cam/dioxin của bà Trần Tố Nga: Cuộc chiến tiếp tục - Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga trong một cuộc biểu tình ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin tại Paris năm 2021. Ảnh: Le Monde.

Theo báo Le Monde, chất da cam/dioxin được quân đội Mỹ sử dụng để phá hủy các khu rừng Việt Nam bảo vệ các chiến sĩ du kích cộng sản Việt Cộng, gây ra hậu quả cho hơn 3 triệu nạn nhân - theo con số từ các cơ quan của Việt Nam.

Trần Tố Nga mắc bệnh “lao tái phát, ung thư và tiểu đường tuýp II”, bà cũng tố cáo dioxin đã khiến một con gái của bà sinh năm 1969, chết vì dị tật tim sau mười bảy tháng. Hai cô con gái khác và các cháu của bà đều mắc bệnh lý nghiêm trọng.

Tờ báo cho biết, ở Mỹ, nếu các cựu chiến binh Mỹ được một số công ty bồi thường mà không cần xét xử, thì năm 2005 tòa án Mỹ đã bác bỏ một vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam với lý do chất da cam này là thuốc diệt cỏ chứ không phải vũ khí hóa học.

Cũng ngày 22/8, Tổ chức Collectif Vietnam Dioxine (CVD) ở Pháp đã ra thông cáo với tiêu đề "Chất độc da cam: Cuộc chiến tiếp tục!".

Thông cáo cho biết, hôm 22/8, Giống như Tòa án cấp sơ thẩm ở Evry, tòa án Phúc thẩm Paris  đã bác bỏ đơn kháng cáo, xác nhận lập luận về "miễn trừ quyền tài phán" mà các công ty bị cáo sử dụng. 

"Chúng tôi rất thất vọng trước tin tức này, điều này chứng tỏ sự lùi bước rõ rệt trong việc công nhận các nạn nhân chất độc da cam, hiện có gần 3 triệu người ở Việt Nam, Campuchia và Lào" - CVD viết. "Bao nhiêu tiếng nói và thân thể đã bị lãng quên và tổn thương bởi chiến tranh, bao nhiêu hy vọng đang ngày càng xa vời, những người chưa bao giờ có được bất kỳ hình thức công lý nào, gần 50 năm sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã đặt niềm tin vào bà Trần Tố Nga, hy vọng cuối cùng để yêu cầu bồi thường từ các công ty đã thực hiện một trong những tội ác môi trường lớn nhất trong lịch sử".

CVD khẳng định, họ vẫn luôn đứng bên cạnh bà Nga, "một người phụ nữ đã và đang dành phần còn lại của cuộc đời mình cho cuộc chiến đáng tự hào chống lại chất độc da cam. Một người phụ nữ đã trải qua chiến tranh, mất mát, bệnh tật, tù tội và tra tấn, nhưng sẽ một ngày biết được công lý. Một người phụ nữ đã làm chính trị hóa cả một thế hệ gốc Á và xa hơn nữa, và sẽ thấy, dù có chuyện gì xảy ra, thế hệ kế cận của bà được đảm bảo". 

CVD khẳng định họ  ủng hộ bà Nga trong việc kháng cáo lên Tòa án Cassation mà các luật sư của bà thông báo sau quyết định của Tòa án Phúc thẩm Paris.

CVD cho rằng cuộc chiến pháp lý dài hơi của bà Nga đã khiến công chúng hiểu biết nhiều hơn về bi kịch chất độc da cam, một chủ đề trước đây ít được biết đến ở Pháp cũng như ở Việt Nam. "Trận chiến không chỉ là về pháp lý mà còn về văn hóa và ký ức, và chúng tôi rất vui khi được tham gia cùng bà. Sự hỗ trợ từ các chính trị gia, các tổ chức công đoàn, các hiệp hội chống phân biệt chủng tộc và thuộc địa, các nhà bảo vệ môi trường và sự truyền thông quan trọng xung quanh phiên tòa đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục cuộc đấu tranh" - CVD cho biết..

Collectif Vietnam-Dioxine là một tổ chức do cộng đồng người Việt ở Pháp thành lập năm 2004 để làm sáng tỏ các tác động của chất độc da cam. Tổ chức này khẳng định sẽ tiếp tục không ngừng kể câu chuyện của bà Trần Tố Nga và bảo vệ tất cả những người đã và đang chiến đấu chống lại thuốc trừ sâu của ngành công nghiệp hóa chất nông nghiệp và vũ khí hóa học.

Nỗi sợ hãi của các công ty hóa chất Mỹ

Tuyên bố trên của CVD đã được tờ l’Humanite ngày 22/8 của Pháp dẫn lại. Tờ báo cũng có bài viết về bà Trần Tố Nga, trong tiêu đề dẫn phát biểu của bà: "Với phiên tòa này, những kẻ sản xuất chất độc da cam cho thấy sự yếu kém và nỗi sợ hãi của họ đối với tôi”.

Bài báo cho biết, người phụ nữ Pháp gốc Việt này sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại các nhà sản xuất dioxin của Mỹ, còn gọi là chất da cam, nguyên nhân gây ra cái chết cho hàng triệu người ở Đông Nam Á.

Là nạn nhân trực tiếp của dioxin, người phụ nữ trẻ đã mất đứa con đầu lòng cũng như những người đồng đội thiệt mạng trong vụ đánh bom. Một số phận khủng khiếp được cô kể lại trong cuốn tự truyện My Poisoned Land (Vùng đất bị đầu độc của tôi).

Giờ đây, người phụ nữ này đã ngoài 80 tuổi, đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang đòi công lý. Chất này được máy bay Mỹ phát tán từ năm 1961 đến năm 1971. Một loại vũ khí chiến tranh sinh học đặc biệt khét tiếng, được sử dụng để tiêu diệt những người kháng chiến trên Đường mòn Hồ Chí Minh, đã giết chết từ 3 đến 5 triệu người ở Việt Nam, Campuchia và Lào - tờ báo cho biết.

Báo Le Monde của Pháp ngày 17/8 có bài viết: “Trần Tố Nga và chất độc da cam - cuộc chiến để đời” trong đó viết: Dù phán quyết thế nào thì bà cũng sẽ không từ bỏ vũ khí của mình. “Tôi đang làm nhiệm vụ, chỉ cần còn thở là tôi sẽ tiếp tục chiến đấu” - tờ báo dẫn lời bà Trần Tố Nga khẳng định. Người phụ nữ Pháp gốc Việt 83 tuổi này đã gần mười năm theo đuổi vụ kiện vì các nạn nhân chất độc màu da cam , loại thuốc diệt cỏ cực độc được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam (1955-1975).

Le Monde dẫn câu chuyện của bà Trần Tố Nga: Vào một buổi sáng năm 1966 khi cô gái trẻ lúc đó nhìn thấy một đám mây kỳ lạ hình thành trên bầu trời Củ Chi, phía tây bắc Sài Gòn. Khi đó cô 22 tuổi, đang là nhà báo tập sự trẻ tại cơ quan báo chí của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một loại bột ướt đột nhiên bao phủ đầu và cơ thể cô

Lúc đó cô vẫn chưa biết rằng hàng ngàn lít thuốc khai quang đang được quân đội Mỹ rải để gây khó khăn cho du kích Việt Nam, và tất cả là hơn 68 triệu lít từ năm 1962 đến năm 1971.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem