Hiện nay, việc phát triển làng nghề, nghề nông thôn TP.HCM đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh lớn trên thị trường. Những sản phẩm thuần thủ công của các làng nghề tốn nhiều công sức, chi phí cao, mẫu mã lại ít đa dạng, do đó khó cạnh tranh với các sản phẩm làm công nghiệp.
Giải pháp giúp các làng nghề, nghề nông thôn tại TP.HCM có thể cải thiện tình hình sản xuất, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện đại là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã có sự áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, hầu hết bánh tráng tại đây được tráng bằng máy; liếp tre được thay bằng liếp công nghiệp; hệ thống sấy được đầu tư máy công nghiệp.
Mỗi ngày, làng nghề sản xuất 90 tấn bánh tráng; giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/ lao động. Doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/ tháng, đóng góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tại địa phương.
Tại làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP.HCM) có 480 hộ tham gia sản xuất, năng suất muối bình quân đạt 89 tấn/ha/năm; tổng sản lượng đạt trên 88.000 tấn/năm. Tổng diện tích sản xuất muối của làng nghề 986ha, trong đó 9,85ha muối sản xuất theo phương pháp kết tinh trên nền đất (phương pháp truyền thống) và 976,15ha sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt.
Như vậy, gần 99% diện tích sản xuất muối của làng nghề muối Lý Nhơn là sản xuất muối trên nền ruộng trải bạt - một phương pháp làm muối giúp đem lại năng suất cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống. Để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm muối, hiện tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ dược Sài gòn (Sapharcen) đang phối hợp với UBND huyện Cần Giờ xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm muối thảo dược ngâm chân từ muối Cần Giờ.
Theo Nghị định 52/2018 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, cơ sở ngành nghề nông thôn khi triển khai ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới và thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, hay tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì được hưởng các ưu đãi theo chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ và nông nghiệp, nông thôn.
Cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu độc lập, hoặc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hóa thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ theo quy định hiện hành.
Nghị định 52 của Chính phủ khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống.