Trong khuôn khổ Festival dừa sáp Trà Vinh, hôm nay 25/8, Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) tổ chức ra mắt quyển sách dừa sáp.
Anh Trần Duy Linh - Giám đốc Công ty Vicosap cho hay, quyển sách là kênh chính thống để cung cấp thông tin cho người dân, các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu về cây dừa sáp, đồng thời cũng nêu ra các quan điểm của các chuyên gia về giá trị to lớn mà cây dừa sáp mang lại.
Lượng thông tin từ quyển sách đã khái quát gần như toàn diện lịch sử của cây dừa sáp (quá trình du nhập, trồng, chăm sóc), giá trị kinh tế mang lại và các đánh giá, định hướng phát triển lâu dài, tạo sinh kế cho người dân.
"Quyển sách có ý nghĩa thiết thực khi tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển dừa sáp bản địa của địa phương. Hy vọng, sau buổi ra mắt, quyển sách sẽ được phục vụ rộng rãi trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, để đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của người dân về cây dừa sáp Trà Vinh" - anh Linh chia sẻ.
Ông Trần Hoàng Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phụ trách nội dung quyển sách dừa sáp Trà Vinh cho hay, quyển sách được biên soạn hết sức công phu, đã được tổ chức hội thảo, tham vấn, bổ sung nhiều lần với sự đóng góp ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, sự giúp đỡ tận tình của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Quyển sách gồm có 4 chương với 220 trang, phản ánh hành trình trái dừa sáp bén duyên với mảnh đất Trà Vinh qua 100 năm.
Quyển sách không chỉ đảm bảo yêu cầu về mặt khoa học mà còn là tài liệu có giá trị cao, với thông tin đầy đủ, sinh động, chân thực, cung cấp thông tin sử liệu đến quý bạn đọc một cách chính xác.
Ông Tuyên nói thêm: "Quyển sách dừa sáp Trà Vinh được ra mắt đúng vào dịp tổ chức Festival Dừa sáp Trà Vinh có giá trị đặc biệt, sẽ góp phần bổ sung vào kho tàng tri thức của tỉnh và của đất nước".
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam thì nhận định, quyển sách đã cung cấp thông tin tổng thể rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh, giúp cho người dân, du khách các nơi biết và hiểu hơn về loại cây dừa lạ này.
Quyển sách đã thể hiện sự trăn trở, quyết tâm của Giám đốc Công ty Vicosap về tình yêu đối với cây dừa sáp, mong muốn dừa sáp Trà Vinh trở thành biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ, khích lệ thanh niên khởi nghiệp sẵn sàng dấn thân trong xây dựng quê hương.
Theo bà Thanh, đây là quyển sách mở, khởi đầu và sẽ còn bổ sung thông tin tư liệu, nhưng từ xưa đến nay chưa ai viết về dừa sáp sâu sắc đến vậy. "Bởi xưa nay các đơn vị khác khi nói về dừa nói chung hay dừa sáp nói riêng chỉ nói về khai thác, nuôi trồng chứ chưa nói về lịch sử" - bà Thanh nói.
Festival dừa sáp Trà Vinh diễn ra từ ngày 25/8 và kéo dài đến hết ngày 31/8. Địa điểm tổ chức là tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - nơi có diện tích dừa sáp lớn nhất tỉnh. Huyện Cầu Kè cũng là nơi trồng dừa sáp mà trái đạt độ sáp cao nhất, ăn ngon nhất.
Trong khuôn khổ Festival dừa sáp Trà Vinh sẽ diễn ra các hoạt động chính như lễ khai mạc (tối ngày 25/8), hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp để xác lập kỷ lục (27/8), trưng bày trái cây đặc sản của địa phương (25-31/8), hội thảo về thực trạng và tiềm năng dừa sáp 926/8), tọa đàm du lịch với chủ đề "Cầu Kè - tiềm năng ven sông Hậu" (30/8).
Đặc biệt, trong lễ khai mạc Festival dừa sáp Trà Vinh, sẽ tổ chức trao quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ cấp "Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm trái dừa sáp tỉnh Trà Vinh" cho UBND tỉnh Trà Vinh.
Ngoài ra, sau lễ khai mạc Festival dừa sáp Trà Vinh, sẽ có chương trình bắn pháo hoa tầm thấp trong 15 phút tại khu vực lễ. Thời gian bắn pháo hoa bắt đầu lúc 21 giờ 30 phút.
Festival dừa sáp Trà Vinh còn được tổ chức phối hợp với sự kiện Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024. Tuần lễ Vu Lan Thắng hội diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/8 với các hoạt động chính như: lễ khai mạc (tối 27/8), hội chợ thương mại (25-31/8), không gian ẩm thực (25-31/8), liên hoan lân sư rồng (28-29/8), trưng bày hình ảnh lễ Vu Lan Thắng hội (27-31/8), hoạt động thể thao và trò chơi dân gian (30-31/8), hoạt động tín ngưỡng Ông Bổn (27-31/8).