Ở Bạc Liêu, dân nuôi con động vật hoang dã gì, chả phải cho ăn, năm 2024 thu 5 tấn tổ bán đắt tiền?
Ở Bạc Liêu, dân nuôi chim gì mà chả phải cho ăn, năm 2024 thu 5 tấn tổ bán đắt tiền?
Chủ nhật, ngày 25/08/2024 05:40 AM (GMT+7)
Nghề nuôi chim yến ở Bạc Liêu cho thu nhập lớn, nhưng không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể thực hiện được. Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến, cần có quy hoạch các vùng nuôi, kèm theo là những giải pháp đồng bộ và thống nhất trong quản lý.
Với 56km bờ biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, phong phú về thảm thực vật, Bạc Liêu được xem là địa phương có điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi chim yến.
Thực tế, nghề nuôi chim yến đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh trên 20 năm nay, với nhiều quy mô khác nhau, số lượng nhà nuôi chim yến tăng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2014, số nhà nuôi chim yến toàn tỉnh là 140 thì đến năm 2019 đã có 1.200 nhà nuôi chim yến, năm 2021: 1.226, năm 2022: 1.288, năm 2023: 1.558 nhà nuôi chim yến. Sản lượng tổ yến năm 2024 ước đạt 5.000kg, tăng 19% so với năm 2023.
Hoạt động nuôi chim yến phát triển chủ yếu do người dân tự phát (xây dựng theo cách cơi nới trên tầng lầu nhà ở hoặc tự chuyển công năng từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến), đa số tại các khu đô thị, khu dân cư (chiếm trên 90%), kể cả nhà ở, nhà nuôi yến cùng tồn tại trong một căn nhà.
Phương thức dẫn dụ chim yến thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để thu hút chim yến đến trú ngụ và làm tổ trong nhà yến.
Để quản lý nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển, HĐND tỉnh Bạc Liêu có Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND về việc quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hằng năm, ngành chức năng thực hiện thống kê nắm hộ nuôi chim yến trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao ý thức người nuôi chim yến trong việc tuân thủ các quy định về thời gian phát loa, vùng nuôi...; thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Khu Địa ốc (Phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là địa bàn có nhiều nhà nuôi chim yến.
Trên cơ sở đó, ngành chức năng đã kiểm tra 88 cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu vực không được nuôi theo quy định.
Kết quả có 39 cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư vi phạm về sử dụng loa phát âm thanh để dẫn dụ chim yến. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 12 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở nuôi chim yến cam kết không vi phạm về sử dụng loa phóng phát âm thanh vượt mức gây ồn trong khu dân cư.
Liên kết tiêu thụ yến sào, tổ yến
Hiện toàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp, công ty yến sào hợp tác, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tổ yến cho các hộ nuôi chim yến trên địa bàn để chế biến và xuất khẩu với sản lượng 9.450kg tổ yến.
Có 26 cơ sở, hộ kinh doanh tổ yến, nhưng chỉ có khoảng 10 cơ sở có sản lượng chế biến hơn 340kg và mua bán yến thô khoảng 600kg.
Đến nay, có 2 doanh nghiệp được cấp chứng nhận HACCP; 6 công ty, cơ sở nuôi và chế biến yến sào có sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Trong đó, có 3 công ty, cơ sở nuôi và chế biến yến sào đã đưa sản phẩm tổ yến lên sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki, Vinacel, Mekong Expo, Lazada; một số doanh nghiệp, chủ cơ sở nuôi chim yến liên kết với doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh để tham gia xuất khẩu.
Ông Tăng Quốc Khánh (cơ sở thu mua và chế biến yến sào Ninh Bình, Phường 2, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Cơ sở đã liên kết thu mua yến thô của hơn 20 nhà yến, mỗi tháng khoảng 70kg, sản lượng hằng năm hơn 900kg.
Hiện cơ sở yến sào Ninh Bình và một số cơ sở khác đang đề nghị ngành chức năng sớm hướng dẫn làm thủ tục cấp mã vùng nuôi để hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Bạc Liêu xuất khẩu. Hiện tại, cơ sở chỉ bán yến chế biến cho các doanh nghiệp khác để xuất khẩu”.
Để nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, ngành chức năng đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi chim yến. Khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững.
Chấp hành đúng quy định về cường độ âm thanh và thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến. Tổ chức giới thiệu, quảng bá thương hiệu yến sào thông qua các hội chợ, hội thảo để phát triển nghề nuôi chim yến.
Xác định mã định danh cho từng cơ sở, từng bước quản lý bằng công nghệ thông tin, liên kết theo chuỗi sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phát triển đồng bộ nguồn lợi yến sào phục vụ xuất khẩu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.