Dân Việt

Vô một cái chợ lạ ở An Giang, chả thấy thịt thà cá mắm, chỉ bán cỏ dại

Trương Chí Hùng 26/08/2024 05:52 GMT+7
Ô Lâm là một xã miền núi thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Theo người dân bản địa, từ Ô Thôm trong tiếng Khmer nghĩa là dòng suối lớn, dần dần người ta đọc trại âm thành Ô Lâm. Chợ cỏ (chợ bán cỏ nuôi trâu, bò) họp giữa trưa, khi cái nắng miền núi đổ từng đợt nóng xuống làm những ngọn cỏ héo rũ.

1. 

Khu vực Ô Lâm có địa hình "bán sơn địa", đồi núi trập trùng xen kẽ với đồng bằng. Có điều, đất trên đồng là đất cát pha, nên khó trồng trọt. 

Thay vào đó, người dân nuôi trâu bò rất nhiều. Nguồn cỏ tại chỗ cho trâu bò ăn ngày càng khan hiếm, dân địa phương phải đi cắt cỏ ở những cánh đồng xa rồi đem về đây bán lại, tạo thành một chợ cỏ tấp nập ở miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.

Chợ họp giữa trưa, khi cái nắng miền núi đổ từng đợt nóng xuống làm những ngọn cỏ héo rũ. Chủ nuôi trâu bò quanh vùng tập trung về chợ, đi đến các bó cỏ dựng đứng thành những hàng dài ven đường, nhấc lên rồi đặt xuống, mặc cả. 

Xế chiều, những bó cỏ cuối cùng cũng được bán hết. Người mua hí hửng ra về. Người bán ngồi nán lại dọc ven đường, đếm tới đếm lui số tiền ít ỏi vừa kiếm được, lòng nghĩ về những lon gạo cho bữa cơm chiều.

Chị Hen là người Khmer, chỉ nói được vài câu tiếng Việt cơ bản, và những con số giản đơn học được trong quá trình giao tiếp mua bán với người Kinh. Khi tôi hỏi gì đó, chị chỉ cười, bối rối. Chồng chị là anh Chau Sang, biết tiếng Việt kha khá do trước đây từng được học tới lớp ba.

img

Người dân địa phương mang cỏ dại từ bến lên chợ Ô Lâm để bán. Chợ cỏ Ô Lâm ở xã Ô Lâm, một xã miền núi của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Anh nói, cỏ bán 5 bó giá 20.000 đồng. Người nào cắt giỏi, chăm chỉ, mỗi ngày có thể cắt được hơn 20 bó, nghĩa là kiếm được gần 100.000 đồng. Hai vợ chồng anh gom lại, ngày nào cũng được hơn 100.000 đồng tiền bán cỏ. Số tiền đó đủ để lo cho một gia đình bốn miệng ăn, dĩ nhiên là phải tiết kiệm đến mức tối đa. 

Lần đầu trong đời tôi nghe nói một gia đình mưu sinh bằng cỏ nên rất đỗi ngạc nhiên, nhưng anh Chau Sang thì xem đó là điều rất bình thường. Anh nói, ở xứ này, người ta dựa vào cỏ để sống, nhiều lắm.

2. 

Đêm đó, tôi ngủ lại nhà anh Sang, một căn nhà lá dựa lưng vào sườn dãy Phụng Hoàng sơn. Nhìn từ trước ra sau, ngôi nhà trống hoác, chẳng thấy vật dụng gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ để trên cái bàn gỗ đóng đầy bụi. 

Điểm sáng nhất của căn nhà nhỏ này có lẽ là hai chiếc bàn nhựa xanh đỏ, trên ấy là mấy quyển sách được xếp ngăn nắp, hai chiếc ghế cóc để bên cạnh. Đó là góc học tập của con anh Chau Sang, một đứa lớp 7 và một đứa lớp 3.

Thấy người lạ đến nhà, chúng bẽn lẽn trốn vào lòng mẹ. Thi thoảng chúng len lén nhìn tôi, đôi mắt đen láy, to tròn. Trong bữa cơm chiều, tôi thấy anh Sang và chị Hen hay nhìn hai đứa nhỏ, rồi lại nhìn nhau cười hạnh phúc. Tôi biết, hai thiên thần ấy là những gì quý giá nhất mà anh chị có được. Đôi khi, người ta sẵn sàng đổi lấy những giọt mồ hôi chỉ mong có được buổi cơm chiều như thế.

img

Gia đình anh Sang, chị Heng vui mừng khi bán được những bó cỏ dại đầu tiên ở chợ cỏ Ô Lâm, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Nói là ngủ, thật ra cả đêm ấy tôi không chợp mắt được. Khi tiếng gà gáy hiệp nhất cuối xóm vang lên, anh Chau Sang và chị Hen cũng lục đục thức dậy để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Chúng tôi rọi đèn pin đi ra bờ kinh, nơi đậu chiếc tắc ráng nhỏ của anh chị. Đây cũng là phương tiện quý nhất để mỗi ngày anh chị chạy đi cắt cỏ bán. 

Cỏ ở vùng Ô Lâm hay Cô Tô giờ còn ít lắm, chỉ có đi qua tỉnh Kiên Giang, cách đó chừng ba bốn chục cây số, mới mong còn cỏ để cắt. 

Anh Sang nói vậy, rồi cho tắc ráng bắt đầu chạy dọc theo các con kinh nhỏ, đi về phía Hòn Đất, Kiên Giang. Tôi không biết lúc này anh Sang và chị Hen đang nghĩ gì, khi bắt đầu một vòng lặp của cuộc mưu sinh?

Ở đoạn kinh mà chúng tôi ghé lại lúc tờ mờ sáng hôm ấy, có hàng chục người như anh Sang và chị Hen. Những đoạn kinh khác, người cắt cỏ cũng đông tương tự. Họ trầm nửa thân mình dưới nước, cắt những ngọn cỏ dại mọc ven kinh, bó thành từng bó nhỏ để ngay ngắn trên tắc ráng. Hầu như họ chẳng nói gì với nhau, chỉ tập trung vào đôi mắt, vào đôi tay để sao cho thao tác được nhanh nhất. Bởi có thể, một chút lơ là thôi sẽ khiến bữa cơm chiều không được no bụng.

Chợ cỏ vẫn họp ở Ô Lâm mỗi ngày, kẻ bán người mua tấp nập. Không hiểu sao, mỗi lần ghé qua đây, tôi thường chỉ đứng lặng ở một góc chợ, nhìn người bán cỏ co ro bên những bó cỏ của mình. Dễ nhận ra vì quần áo họ thường ướt đẫm từ bụng trở xuống. Họ như những cọng cỏ mọc lên từ nước, nửa thân còn ngập, rễ vẫn bám trong đất bùn…

3. Tôi bỗng nhớ lần ghé làng nghề bó chổi ở Phú Bình (huyện Phú Tân, An Giang). Bà chị ngồi bó chổi quệt mồ hôi chảy dài trên trán, than mấy câu đầy triết lý: "Ai làm nghề gì mà dính tới cỏ là khổ hết đó em ơi, không tin em cứ nhìn tụi chị nè, khổ đứt đường luôn. 

Mỗi người bó chổi ở đây đều đeo mấy cái khẩu trang, mặc ba bốn lớp quần áo, mang vớ, đeo bao tay kín mít, nóng nực cỡ nào cũng phải "trang bị" như vậy. Tại sao à? Vì bông cỏ dùng để bó chổi rụng bụi dữ lắm, mặc như vậy nó còn len vào, chiều về ngứa gãi rướm máu hông hết ngứa. 

Chưa kể, có những đợt bông cỏ nhập về bị xịt thuốc bảo vệ thực vật, người ta xịt để cỏ được tốt, bán giá cao. Họ đâu có biết, những "mẻ" cỏ đó ngứa và độc hại vô cùng, mấy chị bó xong có khi đi bệnh viện luôn, tiền công lãnh được không đủ trả tiền thuốc".

Tôi nhớ trước đây bó chổi dùng bông sậy, một loại cây thân thảo sống chủ yếu ở vùng sông nước miền Tây. Cứ vào mùa nước lên, sậy lại trổ những bông dài như cỏ lau. Người ta cắt những bông ấy về bó chổi, vừa bền vừa đẹp. Nhưng bây giờ bông sậy khan hiếm lắm. Không có bông sậy đành thay bằng bông cỏ.

"Loại bông cỏ này đặt mua từ miền Trung. Không biết những người cắt bông cỏ ngoài ấy có bị gì không, chớ tụi chị ngồi bó chổi ở đây thì bị đủ thứ hết. Nhưng bỏ nghề sao được, làng nghề này cũng tồn tại cả trăm năm rồi. Bao thế hệ dựa vào đây mà sống. 

Thu nhập chỉ khoảng vài chục đến một trăm ngàn đồng mỗi ngày thôi, nhưng không làm thì chẳng biết làm gì. Bọn trẻ bây giờ thì ít theo nghề này lắm, tụi nó đi Bình Dương, đi Sài Gòn làm công nhân hết rồi".

Giọng chị cứ đều đều, không phải than trách, mà như giãy bày. Bởi có than trách gì thì những người phụ này cũng không dễ dứt cuộc đời mình ra khỏi những bông cỏ nơi đây. 

Tôi không nhìn rõ mặt một ai cả, vì họ bịt kín bằng khẩu trang và khăn. Trên tay các chị, những lọn cỏ lật ngược rồi lật xuôi, bắn ra các hạt bụi li ti như cám. Tôi đoán chừng mấy chị này chắc chỉ trạc tuổi chị gái tôi. Rồi chợt nhớ, chị em tôi cũng có những năm tháng dài mưu sinh với cỏ.

Đó là khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, khi thuốc bảo vệ thực vật chưa thịnh hành, mấy công ruộng thường bị nhiều cỏ dại mọc xen lẫn với lúa. 

Bởi vậy, nghề mần cỏ mướn rất phổ biến ở quê tôi. Năm tôi 12 tuổi, má đã kêu mấy chị dạy cho tôi cách mần cỏ. Vừa học bữa trước, bữa sau đã lãnh công nhật đi làm cỏ mướn cho người ta. Mấy ngày đầu, tôi làm sót cỏ nhiều, chị tôi phải theo sát giúp đỡ, vậy mà cũng bị chủ đất nói nặng nói nhẹ.

Nhưng công việc đó không phải lúc nào cũng nhàn nhã như tôi cảm nhận. Vụ lúa hè thu thường rơi vào đợt mưa bão, chúng tôi phải phơi mình giữa đồng dù trời nắng hay trời mưa, như bị trời đày. Tay của chị em tôi tiếp xúc lâu với nước nên phồng lên, rồi chảy nước vàng, nhiều chỗ rướm máu. Chân cũng bị nước ăn, lở loét.

Chiều tối, chúng tôi phải ngâm chân tay trong nước muối, sáng hôm sau các vết thương vừa ráo thì phải ra đồng. Cứ thế kéo dài hàng tháng trời, tới khi tất cả các công ruộng đều trổ đòng đòng, chủ đất mới không mướn chúng tôi nữa.

img

Tắc ráng chở cỏ dại về chợ bán tại chợ cỏ Ô Lâm, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Tiền công của chị em tôi, đương nhiên má dùng hết để đong gạo. Nhiều lúc, bưng chén cơm nóng hổi trên tay, tôi không ăn ngay mà nhìn làn khói mỏng bốc lên, hít nhè nhẹ mùi thơm gạo mới. Lòng nghĩ, những chén cơm ấy được chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt của chị em tôi, nó cũng gắn liền với thân phận loài cỏ dại.

Sau này, người ta dùng thuốc cỏ nhiều quá, nên nghề mần cỏ mướn cũng thưa vắng dần. Mấy chị tôi giờ đã ở tuổi ngũ tuần, nhắc lại chuyện trước đây chỉ biết thở dài than, "hồi đó sao khổ quá". Cháu tôi và những đứa trẻ trong xóm bây giờ không mấy thiết tha với ruộng đồng. 

Chúng đổ xô lên thành phố, hòa vào những dòng người tất bật ngược xuôi. Giấc mơ của chúng là những thảo nguyên xanh bát ngát, không phải những phận cỏ dại bọt bèo như chị em chúng tôi.

Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ đến hai đứa con của anh Chau Sang và chị Hen ở Cô Tô. Không biết giờ này chúng đã đi học về hay chưa? Tôi thầm mong chúng đừng vì bất cứ lý do gì mà phải bỏ học, mong chúng sẽ chân cứng đá mềm để mai này lấy hành trang là con chữ để bước vào đời, không phải vất vả như cha mẹ chúng bây giờ. 

Nghĩ đến cặp mắt sáng trong, gương mặt thanh tú của bọn trẻ, tôi tin rằng chúng sẽ làm được. Tôi cũng tin rằng những đứa cháu tôi, những đứa trẻ ở làng nghề bó chổi Phú Bình sẽ viết được trang đời tươi sáng.