Loài cá kêu éc éc đang được nuôi lồng bè vùng đầu nguồn ở An Giang, bán 500.000 đồng/kg

Lê Giàu Thứ bảy, ngày 10/12/2022 15:02 PM (GMT+7)
Nhiều năm gần đây, những hộ chăn nuôi thủy sản vùng đầu nguồn trên địa bàn xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn đầu tư lồng bè để nuôi cá heo đuôi đỏ,đây là một trong những mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Bình luận 0

Mô hình nhằm từng bước chuyển giao khoa học công nghệ đến các hộ nuôi cá heo đuôi đỏ. Với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang, Trạm khuyến nông huyện Phú Tân thực hiện trình diễn mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ tại xã Hòa Lạc.

Loài cá kêu éc éc đang được nuôi lồng bè vùng đầu nguồn ở An Giang, bán 500.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Cá heo đuôi đỏ nuôi lồng bè ở vùng đầu nguồn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang). Cá heo nuôi lồng bè có giá bán 500.000 đồng/kg. So với cá heo đuôi đỏ bắt ngoài tự nhiên, giá cá heo đuôi đỏ nuôi lông bè có giá bán thấp hơn, nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Qua 9 tháng nuôi, mô hình là tiền đề để các hộ lân cận tham quan học hỏi, để giúp chăn nuôi cá heo mang lại hiệu quả.

Mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ do nông dân Hồ Văn Nhiều – ngụ ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc thực hiện từ 10/01/2022 đến ngày 29/9/2022 trong lồng bè với diện tích 72m3.

Cá heo giống được thả nuôi với số lượng 550 kg, có mật độ 800 con/ m3. Theo anh Hồ Văn Nhiều cho biết: anh thiết kế lồng bè được đặt cố định có dòng nước chảy nhẹ, không bị ô nhiễm, kêt hợp bố trí ống nhựa tạo nơi trú ngụ cho cá heo đuôi đỏ trong quá trình nuôi và kiểm tra sức khỏe đàn cá. 

Trong quá trình chăm sóc, anh Nhiều sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi, kết hợp với men tiêu hóa Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, hạn chế hao hụt. 

Qua 9 tháng nuôi, trọng lượng cá heo đuôi đỏ tăng lên đáng kể từ kích cỡ ban đầu 200 con/kg đến tháng nuôi thứ 9 kích cỡ cá đạt 34 con/kg, tỷ lệ nuôi sống đạt 40%, năng suất tương đương 20 kg/m3.

"Cá heo đuôi đỏ anh bán với giá 500.000 đồng/kg, mô hình nuôi cá đặc sản này mang lại lợi nhuận trên 289 triệu đồng. Có thể nói, cá heo đuôi đỏ thích hợp nuôi trong lồng bè trên sông, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên anh Nhiều quyết định lựa chọn vật nuôi này để phát triển kinh tế gia đình...", anh Nhiều cho biết thêm.

Theo ông Cao Văn Đủ, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) cho biết: Cá heo đuôi đỏ trước đây chỉ được đánh bắt ngoài tự nhiên, thời điểm đánh bắt thường vào mùa lũ hàng năm. Do đó, nguồn con cá heo giống hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường thiên nhiên. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi, nhất là khi nhập giống cá heo đuôi đỏ về. 

Nhiều năm trước tỷ lệ hao hụt của cá heo đuôi đỏ rất cao, nhưng mô hình này được áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, đã làm giảm tỷ lệ hao hụt, nên sản lượng cá sau thu hoạch tương đối ổn định. 

Cá heo đuôi đỏ là loài cá có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Do đó, cần có chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá heo, để hướng đến chăn nuôi theo tính bền vững. 

Trạm Khyến nông huyện Phú Tân (An Giang), sẽ tiếp tục mở rộng nuôi thử nghiệm trong ao đất, để người dân thấy được hiệu quả các mô hình, từ đó có cách chăn nuôi phù hợp.

Mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ trong lồng bè là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Hòa Lạc trong những năm gần đây. 

Thế nhưng, để nuôi  cá heo đuôi đỏ có hiệu quả, bà con nông dân phải có kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư và áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn vào nuôi trồng mới đảm bảo chất lượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem