Đây là thông tin vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra nhằm cảnh báo người dân trong bối cảnh các phương thức lừa đảo mạo danh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc có “cú bắt tay lịch sử 2 triệu USD”. Cụ thể, Fanpage Facebook có tên “Showbiz Trending-Đưa Tin 24h” đăng tải một bài viết có tên “Bản hợp đồng số 1-Trị giá 2 triệu đô của Phạm Nhật Vượng dành cho gà cưng Xuân Bắc và nhãn hàng của anh ấy đại diện-Tomford”. Nội dung bài viết đăng tải: “Lễ ký kết thành công, 5.000 mã giảm giá Tomford được đưa vào Việt Nam, tạo nên cơn địa chấn nước hoa trên toàn quốc”.
Để tăng tính thuyết phục với người dùng, Fanpage này còn đăng tải hình ảnh qua chỉnh sửa, cắt ghép của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc nhằm lợi dụng hình ảnh để trục lợi, lừa đảo người tiêu dùng. Ngay sau đó, NSND Xuân Bắc đã lên tiếng khẳng định về sự việc hình ảnh của nam nghệ sĩ bị đối tượng xấu lấy cắp và sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Theo phân tích của các chuyên gia, đối với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu”; “giả mạo nghệ sĩ” trên, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang Fanpage, trang mạng xã hội giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo, hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu uy tín, đồng thời cắt ghép hình ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng. Những bài đăng của đối tượng lừa đảo trên thường có nội dung vô cùng hấp dẫn như các chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh, sản phẩm giá siêu rẻ so với thị trường nhằm thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng. Đồng thời gắn các đường dẫn, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Để tránh trở thành nạn nhân, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Người dân đặc biệt là người thường xuyên thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và người bán; tạo lập thói quen tìm kiếm thông tin về nghệ sĩ hoặc thương hiệu trên các trang web chính thức, hoặc các nguồn tin cậy để xác minh sự hợp pháp của các sản phẩm được quảng cáo.
Đặc biệt, người dùng tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ; không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Nếu phát hiện các hoạt động giả mạo, người dân cần báo cáo cho các nền tảng mạng xã hội, trang web liên quan hoặc cơ quan công an gần nhất để có thể xử lý và ngăn chặn các hoạt động gian lận.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 25/8, Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã bàn giao đối tượng Nguyễn Duy Hoàng (35 tuổi, trú tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar) cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk để điều tra hành vi giết người theo thẩm quyền.
Nạn nhân trong vụ án này là bà C (41 tuổi), trú cùng xã.
Theo điều tra ban đầu, giữa Hoàng và bà C có quan hệ họ hàng. Thời gian gần đây, Hoàng có phát sinh tình cảm yêu đương với bà C nhưng bị người này từ chối tình cảm.
Khoảng 20 giờ ngày 24/8, Hoàng đi chơi về thì thấy bà C đang ở nhà của một người dân gần đó. Lúc này, Hoàng ghen tuông vì nghĩ bà C đã có tình cảm với người đàn ông khác nên cầm một con dao chặt thịt lợn và một con dao bầu đi sang nhà hàng xóm.
Khi Hoàng đi đến nơi thì thấy bà C lấy xe máy chở con trai đi về. Tuy nhiên, Hoàng đã chặn đường, chửi bới bà C.
Sau đó, Hoàng dùng con dao chặt thịt chém một phát về phía bà C nhưng lưỡi dao bị tụt khỏi cán, rơi xuống đất. Lúc đó, bà C bỏ chạy thì Hoàng đuổi theo, nắm được áo và vật nạn nhân xuống đất.
Khi hai bên giằng co nhau, Hoàng đã dùng dao bầu đâm, chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Gây án xong, Hoàng cất giấu hung khí rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Ea Kar đã huy động hơn 30 cán bộ, chiến sĩ tổ chức truy xét đối tượng.
Đến 23h cùng ngày, lực lượng công an đã bắt được Hoàng khi đang lẩn trốn trong 1 lô rẫy cà phê cách hiện trường gần 2km.
Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Công an TP.Hà Nội vừa có cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan thuế yêu cầu cài phần mềm giả mạo để chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của anh V, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai về việc anh nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục Thuế Hoàng Mai yêu cầu anh vào Zalo xác thực các thông tin về công ty mới lập của anh để đăng tải lên Cổng dịch vụ công.
Vì thấy các thông tin về công ty của anh là đúng, anh đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn của "nhân viên Chi cục Thuế"; tải ứng dụng do đối tượng cung cấp để đồng bộ thông tin, đăng nhập số tài khoản ngân hàng, xác thực khuôn mặt 2 lần để hoàn thành.
Đến lần xác thực khuôn mặt thứ hai, anh V nghi ngờ bị lừa, lập tức gọi điện đến tổng đài của ngân hàng và yêu cầu khóa tài khoản, hạn chế được số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 phút trước khi khóa tài khoản, các đối tượng đã thực hiện 2 giao dịch, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản của anh V.
Theo cơ quan công an, đây là một thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng giả mạo nhân viên cơ quan thuế, liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế xác nhận thông tin. Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dùng tải ứng dụng giả mạo app của Tổng cục Thuế trên các trang web giả mạo, ngụy trang là truy cập vào kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay). Khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải ứng dụng giả mạo dạng ".apk" về, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động.
Đặc điểm của các ứng dụng giả mạo thường sẽ yêu cầu rất nhiều quyền, trong đó có quyền truy cập dữ liệu, quyền chụp ảnh màn hình, thậm chí là quyền trợ năng để điều khiển được điện thoại từ xa. Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa, và mục tiêu chính chúng nhắm đến là thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán. Khi đã có thông tin của người dùng, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều chiêu trò để có được mã OTP chuyển tiền hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.
Khách hàng khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc khi thực hiện giao dịch đầu tiên khi cài đặt mới hoặc cài đặt lại ứng dụng di động trên thiết bị mới sẽ cần bổ sung bước xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt. Các đối tượng sử dụng các lý do để yêu cầu người dùng xác thực khuôn mặt nhiều lần để thực hiện chuyển số tiền lớn trong tài khoản của nạn nhân.
Để phòng tránh chiêu thức lừa đảo nêu trên, cơ quan công an đề nghị người dân lưu ý, khi có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, người dân chỉ nên tải app trên các kho ứng dụng uy tín, cụ thể là CHPlay và App Store. Đồng thời, tuyệt đối không bao giờ được cấp cho ứng dụng toàn quyền điều khiển thiết bị.
Người dùng hệ điều hành mở như Android cần cảnh giác hơn khi cấp quyền ứng dụng lạ, cài đặt từ nguồn bên thứ 3. Trong khi đó, iPhone giới hạn ứng dụng trên AppStore, nên phần mềm độc hại khó xâm nhập hơn.
Hiện nay số người dùng bị lừa cài phần mềm giả mạo sau đó bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng ngày càng tăng cao, có người bị mất hàng chục tỷ đồng bởi hình thức lừa đảo này. Người dân cần chung tay với cơ quan công an để nâng cao cảnh giác, lan tỏa thông tin về các dấu hiệu nhận diện, cách thức phòng tránh lừa đảo một cách nhanh, sớm nhất đến mọi người nhằm bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.
Ngày 25/8, thông tin từ Công an huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hoá) cho hay, đơn vị vừa tạm giữ hình sự đối tượng Lê Trung Hải (SN 1982, trú tại khu phố 4, thị trấn Thường Xuân) để điều tra, xử lý tội "Chống người thi hành công vụ".
Theo tài liệu của cơ quan công an, trước đó, Lê Trung Hải điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát 59Y- 210.873 xông thẳng vào trụ sở Công an huyện Thường Xuân mà không xuống xe xuất trình giấy tờ. Sau đó, đối tượng tự tiện đi xuống khu vực Đội thi án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Khắc Tiến trực gác cổng đi xuống yêu cầu Lê Trung Hải quay lại phòng trực ban xuất trình giấy tờ, đăng ký lịch làm việc làm việc theo quy định nhưng Hải không những không chấp hành mà còn có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm đồng chí Nguyễn Khắc Tiến. Đồng chí Nguyễn Khắc Tiến đã báo cáo đồng chí trực chỉ huy xin ý kiến chỉ đạo.
Thấy đối tượng có biểu hiện say rượu, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện đề nghị Hải thổi nồng độ cồn nhưng đối tượng không chấp hành. Trước tình hình trên, Công an huyện Thường Xuân đã phối hợp với Công an thị trấn Thường Xuân và người chứng kiến lập biên bản vi phạm nội quy cơ quan, đơn vị. Trong lúc đồng chí Lê Văn Dũng, cán bộ Công an thị trấn Thường Xuân đang thông qua biên bản vi phạm thì bất ngờ Lê Trung Hải giật biên bản trên tay đồng Dũng xé nát tại chỗ, vò nhỏ, ném xuống đất.
Ngay lập tức, Công an huyện Thường Xuân đã khống chế, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Lê Trung Hải về "tội chống người thành công vụ", đồng thời tiến hành tạm giữ hình sự đối với Lê Trung Hải để điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại cơ quan công an, Lê Trung Hải thành thật khai báo: “Sau uống rượu, tôi đã điều khiển xe máy đến Công an huyện Thường Xuân đi qua cổng gác xuống Đội thi hành án và hỗ trợ tư pháp mà không xuống xuất trình giấy tờ, không báo cáo xin phép cán bộ trực cổng. Khi cán bộ trực xuống hỏi và yêu cầu tôi quay lại phòng trực, do đang say rượu nên tôi đã có lời lẽ xúc phạm. Khi cán bộ Công an huyện cán bộ đang thông qua biên bản vi phạm, tôi đã giật, xé ném xuống đất, bây giờ tôi rất ân hận về việc làm của mình”.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 25/8, Công an huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm thành công 2 vợ chồng lạc trong rừng khi đi hái đọt mây, lá bép.
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 24/8, Công an huyện Di Linh nhận được tin báo có 2 người dân là ông K'Nêm (54 tuổi) cùng vợ là bà Ka Dái (54 tuổi, cùng trú tại thôn 1, xã Tân thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bị lạc khi đi hái rau rừng tại đoạn Km68, khu vực rừng do Công ty lâm nghiệp MTV Di Linh quản lý.
Ngay sau đó, Công an huyện Di Linh đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, Công an các xã giáp ranh gồm: Xã Gia Bắc, xã Sơn Điền, xã Gung Ré và phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, lực lượng quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty lâm nghiệp MTV Di Linh tổ chức tìm kiếm trong rừng.
Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm kiếm và gặp được ông K'Nêm, còn người vợ vẫn bị thất lạc.
Trao đổi với lực lượng chức năng, ông K'Nêm cho biết, sáng 24/8 hai vợ chồng ông vào khu rừng nói trên để hái lá bép, đọt mây rồi bị lạc nhau. Ông K'Nêm sau đó tìm được lối ra, còn người vợ là bà Ka Dái bị thất lạc trong rừng, chưa tìm được.
Tiếp tục tổ chức tìm kiếm, đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 25/8, lực lượng chức năng đã tìm thấy bà Ka Dái trong rừng trong tình trạng sức khỏe ổn định. Bà Ka Dái sau đó được đưa về cho gia đình tiếp nhận, chăm sóc.