Video: Nông dân thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng bóc vỏ quế tươi.
Đến thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, chúng tôi không chỉ ấn tượng về con đường liên thôn Đầu Nhuần và thôn Phú Lâm đã được đổ bê tông hoá khang trang mà dọc 2 bên đường là màu xanh bạt ngàn của những cây quế có tuổi đời từ 20 - 35 năm.
Đang bóc vỏ quế; thu gom cành, lá quế để chuẩn bị chở bán cho thương lái với những giọt mồ hôi rơi lã chã, thấy chúng tôi đến, ông Triệu Giàu Nhàn, thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng đến bắt tay và dẫn chúng tôi đi thăm vườn quế lâu năm của gia đình.
Ông Nhàn chia sẻ: Cách đây khoảng 25 năm trở về trước, những vườn đồi toàn là đất trống, đồi trọc, bà con chúng tôi chỉ chăm chăm vào việc trồng ngô, sắn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống khó khăn lắm.
Đầu những năm 2000, gia đình tôi đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế đồi rừng bằng việc chuyển đất trồng ngô, sắn sang trồng cây quế, với kỳ vọng sẽ cho thu nhập cao.
Những năm đầu, khi cây quế còn nhỏ, gia đình tôi tập trung phát cỏ, trồng thêm sắn. Khi cây quế cao lên được khoảng 5m thì tập trung chăm sóc quế thôi.
Sau nhiều năm chăm bón từng chút, hiện nay, gia đình tôi có 7ha quế, trong đó có 2ha trồng mới, với tuổi đời 5 năm, còn lại là quế 20 - 25 tuổi.
Theo ông Nhàn, hiện nay, những gốc quế hơn chục năm tuổi đang vào thời kỳ khai thác vỏ, giá bán vỏ quế khoảng 25 nghìn đồng/kg tươi. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Nhàn đã thu về gần 200 triệu đồng từ bán vỏ quế. Nhờ có cây quế, cuộc sống của gia đình ông Nhàn đã khá giả hơn, làm được nhà kiên cố, khang trang.
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông Nhàn còn hiến hơn 3.000m2 đất, hàng trăm gốc cây quế, mỡ, đóng góp tiền để cùng bà con trong thôn bê tông hoá tuyến đường liên thôn dài 2km.
Cũng như ông Nhàn, ông Triệu Kim Phúc, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng có 8ha quế, trong đó có 1 ha trên 15 năm đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới từ 2-3 năm tuổi.
Ông Phúc bảo: Vụ năm nay, gia đình tôi đã bán được hơn 3 tấn vỏ quế tươi, thu về hơn 60 triệu đồng. Dự kiến bóc vỏ đến hết vụ, gia đình tôi sẽ thu về được khoảng 400 triệu đồng từ bán vỏ quế nữa, chưa tính bán thân, lá.
Ông Trần Đức Chiến, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, thông tin: Hiện nay, ngoài thâm canh 25 ha lúa nước 2 vụ thì bà con trong thôn còn trồng 280ha quế để nâng cao thu nhập. Thôn Phú Lâm có 124 hộ dân thì chỉ còn 9 hộ nghèo cũng là nhờ bà con trồng quế, trồng rừng sản xuất cả đấy.
Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hoá, xã Phú Nhuận đã cụ thể hoá Nghị quyết của tỉnh, huyện bằng nhiều văn bản; triển khai cho bà con nông dân phát triển trồng các cây chủ lực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó, có cây quế.
Nhờ đó, diện tích quế của xã Phú Nhuận ngày càng tăng lên, hiện xã Phú Nhuận có khoảng 2.000ha quế, với gần 1.000 hộ dân trồng; nhiều diện tích quế đã có tuổi đời khoảng 30 năm, được trồng tập trung tại các thôn Phú Hợp, Khe Bá, Phú Sơn, Phú Thịnh... Hộ nhiều có tới 30ha, hộ ít nhất cũng hơn 1,5ha.
Để cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, người dân xã Phú Nhuận còn được Hội Nông dân các cấp mở các lớp tập huấn hướng dẫn về các phương pháp phòng trừ sâu đo hại quế theo hướng hữu cơ như: Biện pháp thủ công, biện pháp bẫy, biện pháp lâm sinh, biện pháp phun thuốc sinh học đối với từng đối tượng sâu bệnh và thử nghiệm phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái…
Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện Bảo Thắng đã thu mua sản phẩm quế cho người dân; hướng dẫn người dân cách bóc vỏ quế đúng tiêu chuẩn, kích thước; hướng dẫn các chủ cơ sở thu mua vỏ quế tươi của người dân phơi khô, sơ chế thô để thành sản phẩm quế xuất khẩu...
Ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: Nhờ cây quế đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn mới này thêm khởi sắc hơn. Đặc biệt là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 72 triệu đồng/người/năm.
Có thể thấy, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả của bà con nhân dân xã Phú Nhuận, trong đó, cây quế đã và đang khẳng định là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Phú Nhuận.