Không chỉ là tỉnh công nghiệp năng động, Bình Dương còn xây dựng nên hình ảnh một địa phương giàu nghĩa tình, là nơi hội tụ của nhiều điều tốt đẹp, khi đời sống nhân dân được chăm lo về mọi mặt, không ngừng nâng cao.
Kết quả đó có sự đóng góp lớn từ hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Bình Dương.
Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của MTTQ đối với công tác an sinh xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng đã đẩy mạnh công tác huy động, vận động các nguồn lực cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
Ông Dương Hùng Trí - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bàu Bàng cho biết, 5 năm qua, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" của huyện đã vận động ủng hộ Quỹ và chương trình an sinh xã hội được hơn 15,3 tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống MTTQ huyện đang quản lý, duy trì hiệu quả 4 mô hình: Hũ gạo tình thương, Đồng hành cùng học sinh nghèo, Nuôi heo đất giúp trẻ em nghèo, và mô hình Tương trợ vốn giúp nhau làm giàu.
Theo ông Trí, điểm nổi bật ở Bàu Bàng là nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được triển khai nhân rộng; đã góp phần duy trì, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Khu phố Tân An (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) có 1.152 hộ đang cư trú, với 4.516 nhân khẩu. Ông Lê Văn Thạch - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Dĩ An kể, Khu phố Tân An là địa bàn có nhiều công nhân, người lao động.
Khu phố đang tổ chức lớp học tình thương cho 30 em học sinh (từ 6-13 tuổi). Các bé là con em của dân lao động tự do, đến từ nhiều nơi, không có điều kiện theo học tại các trường chính quy.
Giai đoạn đầu, khu phố Tân An gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục từng gia đình để họ cho con em đến lớp.
Mỗi em lại có mỗi hoàn cảnh khác nhau, có em thì làm việc nhà, có em thì nhặt ve chai, bán vé số nên lớp học chỉ hoạt động vào buổi tối.
Không có sẵn cơ sở vật chất, cán bộ Mặt trận ở khu phố phải mượn văn phòng cũ bỏ hoang của một công ty để làm lớp học. Các tình nguyện viên dạy lớp, cho đến sách, vỡ, bút, nước uống cũng phải vận động.
Từ nỗ lực của lãnh đạo khu phố, lớp học hiện có 6 tình nguyện viên là đoàn viên tham gia dạy lớp. Các tình nguyện viên giảng dạy các môn như toán, tiếng Việt, tiếng Anh, và vi tính; và không có thù lao mà chỉ có quà các dịp lễ Tết.
Là địa bàn phát triển nông nghiệp, hoạt động của MTTQ Việt Nam huyện Phú Giáo tích cực tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ và đầu tư cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Bà Tô Cẩm Nhung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Giáo cho biết, việc hỗ trợ được thực hiện bằng nhiều hình thức như: giúp nhau về ngày công, con giống, cây giống, tiền mặt, cho tới vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đến nay, toàn huyện Phú Giáo có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu/người/năm.
Bà Võ Thị Bạch Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp nhiều hộ gia đình có phụ nữ thoát nghèo. Đặc biệt là phong trào Mẹ Đỡ Đầu được Hội thực hiện để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Các cấp Hội đang duy trì đỡ đầu 651 trẻ, mở rộng nhận đỡ đầu hoặc làm vai trò kết nối đỡ đầu trẻ em mồ côi vì các lý do khác. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã kết nối, hỗ trợ cho 1.795 lượt trẻ mồ côi với tổng số quà và tiền mặt trị giá hơn 17,1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tác động của dịch Covid-19 và tình hình thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Điều này đã tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên, người lao động và gia đình của họ. Trong bối cảnh đó, Công đoàn Bình Dương thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã vận động các cấp, các đơn vị ủng hộ Quỹ hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Lũy kế tới nay, Quỹ đã hỗ trợ 1.208 trường hợp, với hơn 11,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Tổng Công ty Becamex IDC xây dựng các dự án nhà ở xã hội để hỗ trợ công nhân, người lao động. Đến nay, đã có hơn 5.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã mua được căn hộ trên.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu đối với mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Trinh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương, việc áp dụng công nghệ số vào công tác an sinh xã hội không chỉ là yêu cầu cần thiết mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ thông tin về các hoạt động của Hội, kêu gọi ủng hộ và giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Website của Hội giúp cũng thường xuyên cung cấp thông tin về các hoạt động, dự án đang triển khai.
Trong việc vận động nguồn lực, Hội Chữ thập đỏ đang áp dụng linh hoạt các phương thức thanh toán điện tử để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi muốn đóng góp ủng hộ. 5 năm qua, số lượng giao dịch ủng hộ qua kênh điện tử không ngừng tăng, đạt trên 80% tổng số nguồn lực vận động.
Hội còn hoàn thiện số hóa dữ liệu hơn 104.000 hội viên toàn tỉnh. Công tác này giúp Hội nắm bắt đầy đủ thông tin về hội viên để có kế hoạch chăm lo, hỗ trợ hiệu quả hơn.
Các chương trình, dự án an sinh xã hội số mà Hội Chữ thập đỏ thực hiện đã hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch trong việc hỗ trợ đến người được trợ giúp. Đến năm 2024, các dự án này đã hỗ trợ hơn 5.000 hộ gia đình khó khăn, với tổng giá trị hỗ trợ đạt trên 10 tỷ đồng.
Tính cả nhiệm kỳ 2019 - 2024, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đạt gần 938 tỷ đồng (tăng 214 tỷ đồng, tăng 78% so với nhiệm kỳ trước), trợ giúp trên 2,2 triệu lượt người.
"Kết quả trên không chỉ thể hiện vai trò của Hội Chữ thập đỏ mà còn thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh", bà Nguyễn Thị Lệ Trinh chia sẻ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, các thách thức trong giai đoạn mới tiếp tục đặt ra nhiệm vụ khó khăn và nặng nề cho MTTQ các cấp. MTTQ tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thiết thực, hiệu quả.
MTTQ phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa cách làm truyền thống với chuyển đổi số để xóa bỏ những rào cản về không gian, thời gian trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.
"Tất cả phải cùng phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn để Bình Dương phát triển nhanh hơn, bền vững hơn đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và khát vọng vươn lên của nhân dân tỉnh Bình Dương", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị.
Hàng năm, phấn đấu 100% các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh được rà soát hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết; 100% các hộ gia đình khi gặp thiên tai, sự cố đều được hỗ trợ, giúp đỡ; tích cực phối hợp vận động, ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện xây dựng nhà.
Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững; tiếp tục phát động, nâng cao hiệu quả vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp; tăng cường hỗ trợ xây dựng nhà, sinh kế cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, đối tượng yếu thế.
Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua đổi mới, sáng tạo trong lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, chung sức cùng Đảng, Chính quyền thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.