Huyện Phú Giáo dùng công nghệ cao tạo sức bật xây dựng nông thôn mới
Một huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương dùng công nghệ cao tạo sức bật xây dựng nông thôn mới
Nguyên Vỹ
Thứ hai, ngày 26/08/2024 11:06 AM (GMT+7)
Xem phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới là khâu then chốt tạo đột phá, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đang khoác lên mình “chiếc áo mới”, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nhất là ở khu vực kinh tế hợp tác đã giúp huyện Phú Giáo trở thành biểu tượng xanh, bảo đảm phát triển nông thôn bền vững.
Là địa phương ở vùng xa của tỉnh, xã An Bình luôn nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2020-2023, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của xã đạt gần 182 tỷ đồng. Trong đó, vốn do người dân đóng góp hơn 62 tỷ đồng.
Nguồn vốn được đầu tư hiệu quả, nổi bật là hạ tầng giao thông. Ngoài 22 tuyến đường xã, các đường trục ấp, liên ấp đều được bê tông, nhựa hóa, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Phạm Thanh Xuân - Trưởng ban điều hành ấp Đồng Sen (xã An Bình), nhờ việc đầu tư hạ tầng hoàn thiện, người dân thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất hình thành, hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương là sự nhiệt tình của nhân dân, như tham gia phong trào xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu ở các ấp. "Nhờ xây dựng NTM, cuộc sống của người dân đã đổi thay nhanh chóng", ông Xuân nói.
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo có tổng cộng 1.606 tuyến đường được nhựa hóa. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Các thiết chế văn hóa như trường học, bệnh viện, trạm y tế, chợ được đầu tư mới, nâng cấp khang trang, thuận tiện cho học tập, sinh hoạt của nhân dân.
Huyện Phú Giáo cũng tích cực thực hiện chương trình OCOP, giúp nâng cao thương hiệu cho nông sản địa phương. Huyện có 24 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện có thêm 8 hồ sơ đăng ký tham gia OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Ông Văn Quang Chinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, mới đây, 3 xã Tam Lập, An Bình, Phước Hòa đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Như vậy, sau 13 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 10/10 xã của huyện đều đạt chuẩn dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh.
Thu nhập bình quân đầu người ở Phú Giáo đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. "Huyện đang phấn đấu có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao", ông Chinh chia sẻ.
Sức bật nông nghiệp công nghệ cao huyện Phú Giáo
Nhiều năm qua, huyện Phú Giáo đã định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm thế mạnh. Từ đó, giá trị nông sản được nâng cao, thu nhập của nông dân được cải thiện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Phong ở xã An Bình tiếp cận mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đến nay đã 5 năm. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên đã cho hiệu quả của kinh tế cao nên bà tiếp tục mở rộng thêm diện tích.
Hiện, với 5.000m2, bà chia thành 6 nhà kính trồng nhiều giống dưa khác nhau theo hình thức cuốn chiếu, để đảm bảo nguồn thu nhập thường xuyên. Sản lượng dưa lưới thu hoạch trên tổng diện tích đạt 20 tấn mỗi vụ.
Theo bà Phong, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã không còn là khái niệm xa lạ. Trong đó, trồng dưa lưới là một mô hình nổi bật. Bản thân là thành viên HTX Công nghệ cao Kim Long. "Được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên nông dân lo đầu ra", bà Phong nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX, trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật và nhất là chi phí đầu tư ban đầu lớn. HTX được ngành chức năng của huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn theo chính sách ưu đãi.
"Khi HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập của các xã viên ngày càng nâng cao và ổn định, mọi người có điều kiện thuận lợi chung tay cùng địa phương thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới", ông Quyết kể.
Bà Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, Phú Giáo xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới, xem nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt để tạo bước đột phá. Những năm qua, huyện có nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển.
Đi đôi với chủ trương, huyện Phú Giáo có các biện pháp đồng hành hỗ trợ bà con thực hiện hiệu quả các mô hình. Huyện tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực.
Kết quả, giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 57%. Đến nay, toàn huyện có 103 hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 416 hộ cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.000ha (tăng 237 cơ sở, hộ so với cùng kỳ năm 2020).
Huyện có 30 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 876 tỷ đồng, đã giải ngân được 773 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệ đồng/ha/năm; đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2022, Phước Sang là một trong những xã đầu tiên của huyện Phú Giáo cán đích nông thôn mới nâng cao. Ông Cao Trung Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, là địa bàn thuần nông, Phước Sang định hướng kinh tế trang trại là chìa khóa để xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay nhiều trang trại lớn, nhiều mô hình chăn nuôi công nghệ cao đều tập trung tại xã Phước Sang. Đơn cư như trang trại bò sữa của Công ty CP Anova Agri Bình Dương đang ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất. Việc quản lý chăn nuôi được kiểm soát bằng phần mềm tiên tiến.
Hoặc như mô hình nuôi vịt công nghệ cao trên sàn là hướng đi hiệu quả, đang được nhân rộng ở địa phương. Đến nay, Phước Sang đã có trên 20 trang trại và nông hộ nuôi vịt công nghệ cao. Bình quân mỗi trang trại nuôi trên 10.000 con vịt, đem lại thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/trang trại/năm.
"Nhờ các kinh tế trang trại, các mô hình quy mô nhỏ, thiếu liên kết chuyển hướng sang sản xuất quy mô lớn; thúc đẩy nông nghiệp địa phương chuyển từ sản xuất số lượng sang gia tăng giá trị, chất lượng và hiệu quả", ông Hòa cho biết.
Theo ông Đoàn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện, trên cơ sở quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, phát triển nông nghiệp vẫn là ngành chủ lực song Phú Giáo tập trung chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Mục tiêu, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, đến năm 2030 đạt trên 30% và đến năm 2040 là 50%.
Huyện sẽ xây dựng thương hiệu, đăng ký xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm nông sản chủ lực; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; chuyển đổi loại hình tổ chức sản xuất từ hộ gia đình sang HTX, trang trại và thúc đẩy ngành dịch vụ liên quan.
"Khi đó, không chỉ giá trị sản phẩm gia tăng mà các nhà đầu tư đến đây cũng yên tâm và gắn bó để thúc đẩy đầu ra sản phẩm thật tốt", ông Đoàn Văn Đồng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.