Dân Việt

79 năm ngành Giao thông vận tải: "Giao thông vững bước, Đất nước phồn vinh"

Thế Anh 28/08/2024 18:32 GMT+7
Trong 79 năm qua, kể từ ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện một hành trình đầy gian nan "Đi trước mở đường, mở ra không gian phát triển mới".

Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển mới

Cho đến nay, hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, khi nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ, sân bay, cầu cảng, đường thủy được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác đã tạo bước đột phá đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững.

80 năm ngành GTVT: "giao thông vững bước, Đất nước phồn vinh" - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông Việt Nam ngày càng đổi mới.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, với niềm vinh dự, tự hào khi chứng kiến nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành, nhưng cũng nhiều trọng trách nặng nề bởi việc xây dựng hạ tầng giao thông luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nền tảng và động lực phát triển đất nước.

Tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược; đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta sẽ xây dựng 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 là 5.000 km.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với phương châm hành động: "Giao thông vững bước, Đất nước phồn vinh", lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT xác định rõ, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững, chất lượng nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

80 năm ngành GTVT: "giao thông vững bước, Đất nước phồn vinh" - Ảnh 2.

Cao tốc Bắc - Nam hoàn thiện, mở ra không gian phát triển mới.

Trong những năm qua, ngành GTVT đã hoàn thành 2 dự án đường cao tốc (với 12 dự án thành phần, gồm 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ) với tổng chiều dài 693 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021 km. Các sân bay được nâng cấp mở rộng như sân bay Phú Bài, sân bay Điện Biên...

Các công trình triển khai, hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistic, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng ủng hộ của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng đã triển khai hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm khác như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Đầu tư nguồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị; Cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Về đường sắt, Bộ GTVT cũng đã giao Ban QLDA Đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt: Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Vành đai phía Đông Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, giao nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vũng Áng - Mụ Giạ.

80 năm ngành GTVT: "giao thông vững bước, Đất nước phồn vinh" - Ảnh 3.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT.

Ngành GTVT "chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Chia sẻ về các dự án giao thông thực hiện đầu tư trong thời gian qua, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ GTVT bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân dân, cử tri và dư luận báo chí. Bộ GTVT tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao với tinh thần quyết tâm cao nhất, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Qua đó, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Dũng lấy dẫn chứng, một trong những kết quả nổi bật nhất của Bộ GTVT trong 6 tháng đầu năm 2024, là công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

"Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra", ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng nhấn mạnh, phát huy ý chí "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước", lãnh đạo Bộ GTVT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, yêu cầu huy động tối đa nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.

Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, công điện gửi các địa phương, các chủ thể tham gia dự án thúc đẩy công tác GPMB, bảo đảm nguồn cung vật liệu; đồng thời, thường xuyên theo dõi, báo cáo, đề xuất kịp thời nhiều giải pháp tăng cường cung ứng nguồn vật liệu cát đắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong nửa đầu năm 2024, Bộ GTVT cũng đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, trong đó có 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau trong năm 2025. Tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng cho biết, đầu tư phát triển hạ tầng vừa tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, vừa là động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc hết sức mình của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án.

Thủ tướng cho biết, có một số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện chưa hoàn thành, cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra, chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.