Sau khi tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào vận hành khai thác thương mai, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đang nghiên cứu dự án "tiền khả thi" đường hầm kết nối 2 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt Cát linh - Hà Đông.
Nhiều người quan tâm và băn khoăn: Tại sao khi quy hoạch đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội không tính toán tới việc xây hầm kết nối các tuyến đường sắt với nhau?. Đáng lẽ hầm kết nối này phải có từ trước, và cho rằng Hà Nội đang làm ngược?.
Theo Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, dự án xây dựng hầm kết nối đường sắt Cát Linh – Hà Đông (ga Cát Linh) và tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội (ga S10) đã trình từ tháng 6/2022. Dự án có địa điểm thi công tại các quận Đống Đa và Ba Đình, thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 113 tỷ đồng.
Được biết, dự án hầm kết nối tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và đường sắt Nhổn – ga Hà Nội nằm trong danh sách 10 dự án đầu tư công cần thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Trong 10 dự án, dự án này có tổng mức đầu tư thấp nhất, và không nằm trong nhóm các dự án đầu tư, có tích chất phức tạp.
Sở GTVT đề xuất thực hiện theo phương án xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Cụ thể, đi ga Cát Linh bằng lối lên xuống thang bộ, thanh cuốn và thang máy. Đi ga S10, kết nối với tầng trung chuyển ga S10.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.
Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 km.
Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến số 3: Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km.
Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.
Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc, với chiều dài khoảng 34,5 km.
Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội. Tuyến này có chiều dài khoảng 43 km.
Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài tuyến này khoảng 35 km.
Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá, có chiều dài khoảng 28 km.
Nhìn vào Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị có thể thấy rằng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không được quy hoạch xây hầm kết nối ngay từ đầu.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia về quy hoạch, Kiến trúc sư Trần Thanh Bình cho rằng, về quy hoạch, có thể khái quát các bước: Quy hoạch tổng thể giao thông chung - Quy hoạch phân khu 1/2000 - Quy hoạch chi tiết, sau đó mới triển khai tới các dự án.
Tuy nhiên, nếu như có chỉ đạo hoặc có chủ trương điều chỉnh, việc nghiên cứu điều chỉnh vẫn được thực hiện. Đáng chú ý, việc này phải đảm bảo các quy hoạch dưới tuân thủ theo quy hoạch trên.
"Nếu như chưa có quy hoạch, chuyển hướng thì phải lập điều chỉnh. Các dự án muốn triển khai thì đợi điều chỉnh quy hoạch", bà nói.
Do đó, đối với việc Sở GTVT Hà Nội thực hiện nghiên cứu tiền khả thi nhằm điều chỉnh, bổ sung các dự án giao thông để bổ sung quy hoạch chung là phù hợp theo lộ trình.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, việc kết nối các tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Hà Nội đã xây dựng đề án điều chỉnh các tuyến xe buýt, mở tuyến xe buýt mới và các phương án khác để kết nối 2 tuyến đường sắt với nhau.
Theo ông Trường, tạm thời khi chưa có hầm kết nối, Hà Nội đã tính toán kết nối bằng xe buýt. Việc đầu tư xây dựng hầm đang được chủ đầu tư dự án, Sở GTVT Hà Nội tính toán.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội từ năm 2021 đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công các công trình giao thông trên địa bàn thành phố. Việc triển khai thực hiện này được giao cho Sở GTVT Hà Nội.