Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, mở ra không gian phát triển kinh tế

Thế Anh Chủ nhật, ngày 18/08/2024 12:38 PM (GMT+7)
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc tạo ra sự kết nối liên thông trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Bình luận 0

Mở ra không gian phát triển các mô hình kinh tế

Hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội đi thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 đến ngày 20/8. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhân chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Dân Việt nhìn lại quan hệ hợp tác chiến lược giao thông vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hơn 10 năm qua mở ra không gian phát triển các mô hình kinh tế.

Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, mở ra không gian phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong hơn 10 năm qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải hai nước đã không ngừng phát triển, mở rộng, nâg cấp các tuyến đường hiện hữu, phát triển giao thông trên mọi phương diện, các lĩnh vực giao thông.

Đến nay, Việt Nam – Trung Quốc đã hợp tác phát triển các tuyến đường sắt liên vận quốc tế đưa ga hàng hoá, cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa tạo ra sự kết nối liên thông trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á-Âu.

Cụ thể, giữa Việt Nam – Trung Quốc đã có 3 tuyến đường sắt liên vận quốc tế bao gồm:

Thứ nhất, tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Kép, tỉnh Bắc Giang - Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn tới Trung Quốc.

Thứ hai, tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi – tới Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn - Bằng Tường (Quảng Tây, TQ), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU; Đặc biệt từ hàng hoá từ Ga Cao Xá còn đi theo tuyến đường tới Lào Cai – Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.

Thứ ba, tuyến đường sắt lên vận quốc tế từ ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương tới Trung Quốc.

Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, mở ra không gian phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá. Ảnh: Thế Anh

Từ các nhà ga liên vận quốc tế, hàng hóa xuất, nhập khẩu được thực hiện làm thủ tục hải quan ngay tại ga rồi vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang Trung Quốc, Châu Âu, Trung Á… rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.

Với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga đường sắt, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.

Tại buổi khai trương tuyến đường sắt liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: "Hoạt động vận tải đường sắt liên vận quốc tế giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu".

Với hoạt động vận tải liên vận quốc tế, ông Cảnh tin tưởng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt như: đầu tư thêm phương tiện đầu máy toa xe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhà ga, bãi hàng cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam để tạo điều kiện, phát huy lợi thế tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tính chủ động của doanh nghiệp... Mục tiêu của Tổng công ty đường sắt Việt Nam là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo.

Đối với hệ thống đường sắt đô thị, tại Hà Nội tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn ODA Trung Quốc, tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật tiên tiến của nước bạn. Sau khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc giao thông trên dọc tuyến đường đi vào nội đô.

Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, mở ra không gian phát triển kinh tế- Ảnh 3.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.N

Tăng cường hợp tác phát triển đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc

Đặc biệt, vào tháng 5/2023, Bộ GTVT đã làm việc với Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc về việc quy hoạch phát triển đường sắt, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, giám sát công tác an toàn và chất lượng dịch vụ đường sắt.

Tại cuộc họp, hai bên điểm qua tình hình hợp tác giữa đường sắt Việt Nam và đường sắt Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế. Phía Trung Quốc cũng đã cung cấp thông tin tổng quan về đường sắt cao tốc Trung Quốc như: lịch sử phát triển, những công nghệ chủ chốt cũng như đặc điểm của đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Trên tinh thần hữu nghị, hai bên trao đổi về một số nội dung mà phía Việt Nam quan tâm, phía Trung Quốc cũng đưa ra một số đề xuất đối với sự phát triển đường sắt Việt Nam để phía Việt Nam tham khảo.

Trước đó, vào ngày tháng 12/2022, Bộ GTVT Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận bổ sung thêm 15 tuyến vận tải và 2 cặp cửa khẩu vào danh mục cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ quốc tế Việt – Trung, nâng tổng số cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ là 9 cặp và 35 tuyến vận tải đường bộ giữa hai nước.

Đáng chú ý, từ tháng 3/2023, hoạt động hàng không giữa hai nước cũng dần khôi phục trở lại, các hãng hàng không hai nước có kế hoạch khai thác trở lại các đường bay giữa hai nước như đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Vũ Hán, Nam Ninh, Thiên Tân của Trung Quốc và Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Lạt của Việt Nam.

Hiện tại có 7 hãng hàng không của Trung Quốc khai thác 10 đường bay từ 9 thành phố của Trung Quốc đến Hà Nội và TP.HCM với tổng tần suất 93 chuyến khứ hồi/tuần.

Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway cũng đang khai thác từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Đà Lạt đến các điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hàng Châu, Nam Ninh…

Bên cạnh đó, giữa Việt Nam – Trung Quốc cùng nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường sông nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem