Cảm xúc của NSƯT Thanh Quý thế nào khi đóng vai bà Trúc trong bộ phim Hoa sữa về trong gió? Được biết, chị sẽ có cảnh tình cảm với Nghệ sĩ Nhân dân Tiến Đạt trong phim này?
- Tôi rất vui vì phim ảnh hiện nay ngoài các vấn đề của giới trẻ vẫn có câu chuyện về những người già, chuyện tình cảm của những người lớn tuổi với nhau. Trong phim này tôi có khá nhiều cảnh tình cảm với anh Tiến Đạt. Giữa tôi với anh Tiến Đạt đã rất hiểu nhau nên chúng tôi rất thoải mái khi thoại, nhiều khi chúng tôi đưa vào những câu thoại trong cuộc sống, ngoài kịch bản.
Nhân vật bà Trúc là một người phụ nữ thành phố nền nã chỉn chu, sống rất nghĩa tình yêu thương con cháu mình. Dù bà có tuổi nhưng luôn cúi mình để thấu hiểu con cháu, đây cũng là thông điệp phim: các thế hệ giao thoa, cùng tiến lên nhưng vẫn phải thấu hiểu lẫn nhau. Tôi cũng mong phim sẽ mang tới một sự mát lành cho khán giả và khiến mọi người cảm thấy yêu thương gia đình mình nhiều hơn. Tôi mong nhân vật của mình đủ thuyết phục để chuyển tải được thông điệp "bà là nơi để về".
Cảnh tôi nhớ nhất là khi bà Trúc đến thăm Trang (cháu nội bà Trúc) ngày bé. Lúc đó, bố mẹ ly hôn, Trang còn nhỏ không có ai trông nên người lớn đi làm thì bị nhốt một mình trong nhà. Khi tôi đứng trước cảnh Chu Diệp Anh (vai Trang lúc nhỏ) bị nhốt, tôi phải cố kìm để nước mắt không rơi vì tôi cũng là một người mẹ, người bà.
Đóng vai một người phụ nữ Hà Nội gốc, chị có cảm thấy vai diễn này đặc biệt?
- Tôi cũng là người sinh ra ở Hà Nội, người làng Bưởi, nên may mắn tôi cũng hiểu về cách đối nhân xử thế của người Hà Nội. Tôi cũng thấm được nhiều điều khi cảm nhận từ những người phụ nữ quanh tôi ở các thế hệ trước. Tôi cũng nói với đạo diễn là vì phim về Hà Nội nên có gì đẹp của Hà Nội có thể đưa được vào phim thì nên đưa hết vào như: cảnh đẹp, những đặc sản, cách nói năng, cư xử...
Liên tục vào vai người mẹ trong phim về đề tài gia đình, chị có sợ mình bị nhàm chán?
- Thực sự tôi cũng cảm thấy lo lắng là mình bị nhàm chán trong loạt phim về gia đình. Nhưng mỗi kịch bản có câu chuyện khác nhau. Còn cảm giác của diễn viên là lo lắng thường trực, mỗi khi đóng phim nào tôi cũng lo. Sợ nhất là mình không có sự sáng tạo, thay đổi mới, lặp lại trong vai diễn. Dù làm phim lâu năm rồi nhưng những ngày quay đầu tiên tôi thực sự vẫn rất run và cảm thấy mình bị cứng. Chỉ khi làm độ vài ngày mới nguôi ngoai được nỗi lo lắng đó.
Việc làm phim truyền hình hiện nay rất nhanh, chị có cảm thấy khó khăn để theo kịp với các bạn trẻ trong khi đã ở lứa tuổi nghỉ hưu của người lao động thông thường?
- Nếu nói về sức khỏe thì tôi luôn lo lắng vì tiến độ công việc. Tôi luôn ở tình trạng đoàn phim cần mình là lúc nào cũng có mặt, giữ sức khỏe thật tốt, không dám ốm, đi về nhà ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Những ngày không làm phim thì tôi có thể xem phim đến sáng. Công việc trong gia đình cũng không dám làm gì hơn ngoài việc nấu 2 bữa cơm, nếu không có người nấu thì mình cũng phải tự nấu để ăn. Công việc trong gia đình cũng phải sắp xếp.
Được biết, ở tuổi này chị vẫn thường xuyên tự đi xe đi đóng phim?
- Trước thì đúng là thế, tôi vẫn đi xe máy đi vào Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Cầu Diễn, Tây Mỗ, Xuân Phương. Các con bảo mẹ gọi xe đi nhưng tôi thích đi để đầu óc nhanh nhạy hơn, giữ gìn quá thì lại chậm chạp đi. Và việc làm phim cũng cần cơ động hơn.
Nhưng giờ tôi mắt kém, phản xạ chậm hơn nên không dám đi. Sau dịch Covid-19 sức khỏe, mắt tôi kém hơn nên đi theo đoàn. Trời cho được khỏe lúc nào thì tôi biết lúc đó.
Làm phim với nhịp độ dày đặc, chị làm thế nào để giữ được sự mới mẻ trong cảm xúc?
- Đi làm phim sợ tôi nhất là một thời gian tự thấy chán. Cái chán đó là hậu quả việc nhập vai liên tục cảm giác mình như cái máy diễn nên tôi luôn phải tái tạo. Vai diễn lúc nào cũng phải ở trong đầu mình. Lúc không diễn, đi chợ, đi ra ngoài, nhân vật vẫn phải lẩn quất trong mình. Tôi suy nghĩ trong đầu để sau này khi cần mình làm thế nào và cũng phải không để những khó khăn trong cuộc sống len vào.
Hiện chị có bằng lòng với cuộc sống độc thân của mình?
- Thực ra, tôi thấy cuộc sống của tôi như hiện tại rất hay. Tôi luôn quan niệm có những lúc mình gặp chuyện không hay gì đó nhưng có khi lại là may mắn, để mình có kinh nghiệm, để thấy được vấn đề mà tiếp tục chuyện khác. Cuộc sống có khó khăn, vất vả hay thành công hay thế nào thì mình vẫn phải sống tiếp. Buồn sẽ làm mình yếu đi. Phải sống sao cho khỏe mạnh, lạc quan, không ai thay mình được cả. Sức khỏe thì phải cố gắng giữ gìn. Trong khi đi làm đoàn phim gọi, cần mình là phải đi.
Trong công việc diễn xuất, chị nghĩ điều gì ý nghĩa nhất với mình?
- May mắn của nghề này là già còn làm việc. Nhờ Trời tôi còn sức khỏe thì đi, không phải để đạt được gì. Mà đi để thấy rằng cuộc sống còn có nhiều cuộc đời khác mình, đi để thấy cuộc sống còn phong phú. Tôi muốn mang đến cho khán giả những bộ phim khiến người ta cảm thấy ý nghĩa.
Khi tôi gặp khán giả ngoài đường, thấy khán giả yêu quý nghề của mình thì vừa mừng vừa lo. Mừng là thấy nghề của mình được khán giả quan tâm. Lo là làm sao để khán giả bật tivi lên xem họ không thấy tiếc thời gian bỏ ra. Nhiều lúc khán giả bảo: "Chị giữ sức khỏe để làm phim cho chúng em xem". Lúc nào khán giả chán mình phải tự nghỉ thôi.
NSƯT Thanh Quý và một số cảnh phim trong Hoa sữa về trong gió. Ảnh: VTV
Tại sao chị lại từ chối làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho mình trong khi rất nhiều khán giả mong muốn chị có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân?
- Tôi làm diễn viên cũng là một nghề, tôi thấy danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với mình là cũng được rồi. Làm giấy tờ tôi ngại phức tạp. Tôi không phải không coi trọng, coi thường chuyện danh hiệu nhưng đến tầm tuổi tôi mọi thứ nên đơn giản đi thì sẽ nhẹ nhàng. Đề cử VTV Award tôi cũng từng xin rút vì cả dàn diễn viên có mỗi tôi là người lớn tuổi. Các bạn trẻ cần khẳng định mình hơn. Không phải tôi cậy già không cần khẳng định mà tôi chỉ cần đi đóng phim, sống yên ổn là được rồi.
Ngoài đi đóng phim, chị có thú vui gì trong cuộc sống thường ngày?
- Tôi thích xem phim, làm những việc vặt, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui".
Xin cảm ơn NSƯT Thanh Quý đã chia sẻ thông tin!