Chiều 30/8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Lộc, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu cho biết, khu vực có trâu bị chết do dính bẫy thuộc khu vực rừng tự nhiên.
Khu vực này là nơi có rất nhiều động vật rừng, thú rừng nên các đối tượng thường xuyên lợi dụng để đặt bẫy săn bắt thú.
Cũng theo ông Lộc, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, đơn vị cũng đã vào cuộc và tháo bỏ gần 20 bẫy thú tại khu vực này.
Liên quan đến sự việc trên, UBND xã Phước Kháng cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Thuận Bắc, đồng thời kiến nghị việc phối hợp giải quyết sự việc.
Cụ thể, báo cáo của UBND xã Phước Kháng cho biết, qua xác minh có 2 hộ dân ở thôn Đá Mài Trên có trâu bị chết gồm hộ ông Katơr Lội (14 con) và hộ ông Mai Toán (4 con).
Khu vực trâu bị dính bẫy chết là khu vực Suối Nhông (thuộc địa phận huyện Bác Ái). Đây là khu vực chăn nuôi gia súc từ xưa của người dân bản địa các xã Phước Kháng (Thuận Bắc) và xã Phước Trung, Phước Chính (Bác Ái). Hiện nay, khu vực này do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu quản lý, trồng rừng tại khu vực này.
Các hộ có trâu bị chết cho biết, đã chăn nuôi trâu tại khu vực từ năm 1990 nhưng việc mất trâu chỉ mới phát hiện từ những năm 2020. Người dân đi tìm kiếm thì phát hiện trâu bị dính bẫy nhiều lần, có trường hợp trâu chết chỉ còn lại bộ xương.
Theo UBND xã Phước Kháng, địa phương có làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu về nội dung trên và được đại diện đơn vị này cho biết khu vực nói trên đã được đơn vị này tổ chức trồng rừng (trồng cây thông) từ năm 2019 nhưng không thông báo cho địa phương để tuyên truyền cho người dân biết.
UBND xã Phước Kháng cũng kiến nghị UBND huyện Thuận Bắc chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương giáp ranh là huyện Bác Ái để cùng vào cuộc giải quyết sự việc…
Tuy nhiên, ông Hoàng Lộc, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu cho hay, việc trồng rừng tại khu vực (Suối Nhông – PV) đã được đơn vị này triển khai thực hiện từ năm 2019. Đến nay, đã trồng được 850ha cây thông.
Cũng theo ông Lộc, đơn vị này chỉ trồng rừng tại lâm phần các xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Thành và Phước Đại (thuộc huyện Bác Ái), không trồng rừng ở địa phận xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc).
Liên quan đến sự việc trâu của người dân chết do dính bẫy thú, ông Lộc cũng thừa nhận trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng trong việc để các đối tượng cài bẫy thú trong khu vực rừng mình quản lý.
"Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu đã và sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra tháo bỏ các bẫy thú trên lâm phần quản lý. Đây là trách nhiệm Ban quản lý…", ông Lộc nói.
Liên quan đến sự việc nói trên, ngày 30/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, Chi cục kiểm lâm yêu cầu các đơn vị chủ rừng khẩn trương kiểm tra, tháo gỡ bẫy thú rừng trong lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt-Sông Trâu tiếp tục đăng ký làm việc với cấp ủy, chính quyền địa (UBND xã, BQL thôn, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng) để tuyên truyền, giải thích về các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp để người dân hiểu và thực hiện.
Chủ động phối hợp với Kiểm lâm huyện Bác Ái, Thuận Bắc và chính quyền địa phương rà soát trong toàn bộ lâm phần quản lý để kiểm tra, phát hiện, tháo bỏ hết những bẫy thú hiện còn trong rừng.
Đồng thời, tiếp tục nắm bắt thông tin và cung cấp cho chính quyền địa phương để theo dõi, phối hợp điều tra xử lý theo quy định; khẩn trương chỉ đạo các Trạm quản lý bảo vệ rừng có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn đối với tình trạng này trong thời gian tới.