Gần 8 năm bôn ba với nghề kỹ sư cơ khí và mua bán vật tư xây dựng, dù thu nhập khá nhưng anh Nguyễn Hoàng Ngọc An (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vẫn canh cánh khi nghĩ về nơi "chôn nhau cắt rốn".
Ở đó, ba mẹ anh tuổi đã xế chiều, mảnh ruộng, vườn rau thiếu người chăm sóc. Suy nghĩ thấu đáo trước sau, anh quyết định về quê gầy dựng sự nghiệp.
10 năm trước, trong một lần đưa con đi diễn văn nghệ, anh nghe được câu chuyện của những lão nông.
Họ nói vùng Củ Chi (TP HCM) có nghề trồng nấm bào ngư mang lại thu nhập cao. Câu chuyện đó khiến anh suy nghĩ rất nhiều.
Quê anh vốn có truyền thống trồng rau, người dân cần cù, chịu thương, chịu khó, nếu áp dụng mô hình trồng nấm thì rất có triển vọng.
Thế là ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, anh lại khăn gói đi học nghề, bắt đầu lại từ con số 0.
Vài người nghi ngại khi thấy anh từ kỹ sư làm nông dân, hai nghề chẳng liên quan gì với nhau nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả, quyết chí phải thành công.
Anh Nguyễn Hoàng Ngọc An (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đang sàng nguyên liệu trồng nấm bào ngư.
Kiên trì, nỗ lực, dần dần anh nắm được những kỹ thuật cơ bản của nghề trồng nấm. Anh dùng số tiền tích cóp xây trại nấm đầu tiên diện tích 72m2, vay ba mẹ thêm một ít tiền để nhập 4.000 phôi nấm.
Những mùa nấm đầu tiên thành công ngoài mong đợi. Anh giao cho chợ đầu mối Bình Điền và một số nhà hàng, quán ăn trong vùng, "cung" không đủ "cầu".
Nhưng sang năm thứ 3, thứ 4 thì xảy ra nhiều vấn đề như nấm bị bệnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột làm nấm chết hàng loạt. Có hôm, sáng ra trại nhìn những tai nấm queo quắt, năng suất và chất lượng nấm giảm rõ rệt.
Đứng trước sự cố, anh bình tĩnh suy nghĩ tìm nguyên nhân. Nhận thấy các vấn đề trên xảy ra do phôi nấm được sản xuất tại những địa phương ngoài tỉnh. Các nguyên, vật liệu làm ra phôi không thuần nên khó thích ứng với môi trường, khí hậu ở địa phương.
Lúc này, anh nảy ra ý tưởng tự sản xuất phôi nấm. Bởi nếu làm được phôi thì anh có thể nắm trong tay quyền tự quyết, không lệ thuộc nơi sản xuất, hơn nữa đó lại là sản phẩm do tự tay mình làm ra, giá trị không thể đong đếm được.
Thế là anh tiếp tục mày mò, nghiên cứu để thực hiện ý định. Ngày thấy những chiếc phôi thử nghiệm cho đợt nấm đầu tiên, anh mừng rơi nước mắt bởi đó là thành quả sau những tháng ngày trắng đêm nghiên cứu, là niềm hy vọng của anh và gia đình.
Bữa cơm hôm ấy, anh tự tay nấu bằng nguyên liệu nấm do anh làm mọi công đoạn. Mọi người thưởng thức, thấy nấm ngọt và thơm ngon hơn trước. Đó là lời cảm ơn vì gia đình luôn ủng hộ anh hết mình; là sự khẳng định ý chí, nỗ lực, tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của anh.
Để lấp đầy tất cả các trại cần 35.000 phôi nấm. Chiếc máy trộn hồ không thể đáp ứng nổi số lượng này và nguyên liệu cũng không đều.
Sẵn có nghề cơ khí, anh lên ý tưởng rồi nhờ bạn bè thiết kế máy chuyên dụng để sàng, trộn nguyên liệu. Nhờ đó, năng suất và chất lượng tăng đáng kể.
Trong quá trình sản xuất, anh tự cải tiến chi tiết máy để hoàn thiện hơn. Theo tính toán của anh, với chiếc máy này, mỗi người có thể làm ra 500 phôi nấm/ngày. Công đoạn hấp phôi cũng được anh đầu tư bài bản với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại, anh dành thời gian tham gia các lớp tập huấn, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước bởi anh biết mình còn nhiều khiếm khuyết. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã cử chuyên gia đến hỗ trợ kỹ thuật cho anh. Hội Nông dân tỉnh cũng đến tham quan mô hình này.
Anh An chia sẻ: “Trong hành trình khởi nghiệp, tôi may mắn được gia đình ủng hộ, được Hội Nông dân các cấp, các thầy cô của Trung tâm quan tâm, giúp đỡ. Tôi muốn tạo ra một nông sản đặc trưng của Long An, không phải lệ thuộc vào những đơn vị khác.
Những phôi nấm này là niềm vui, niềm tự hào của tôi. Tôi nghĩ khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn nếu có ý chí và chiến lược hợp lý, đúng đắn”.
Hiện tại, anh sản xuất theo kiểu cuốn chiếu để nguồn cung không đứt đoạn. Với giá dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg nấm, những trại nấm hàng chục ngàn phôi đem lại cho anh và gia đình cuộc sống sung túc.
Anh cũng tạo được việc làm cho một số lao động địa phương, giúp họ phần nào cải thiện cuộc sống. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất để có thể vừa bán phôi, vừa bán nấm.
Ngoài ra, anh còn kết hợp bạn bè mở mô hình nhà nấm mini. Dự định, mô hình này sẽ ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, giá thành rẻ, người trồng không cần tốn nhiều công chăm sóc.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm - Nguyễn Như Thủy cho biết, anh An cầu tiến, sáng tạo, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Sản phẩm Nấm bào ngư xám Ngọc An bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, Hội Nông dân xã hỗ trợ anh xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao.
Từ Trại nấm Ngọc An ra đường lớn là những rẫy rau xanh mướt. Giữa cảnh thanh bình ấy, chúng tôi cầm trên tay phôi nấm do người Long An sản xuất mà lòng phơi phới nỗi mừng vui. Đó là thành quả của những tháng ngày gian lao và nỗ lực không ngừng nghỉ.