Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, tiết trời Hà Nội đã vào thu. Trên những con đường, ngõ nhỏ Thủ đô rực rỡ sắc màu cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi gặp ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam tại căn phòng nhỏ hai ở phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ông Quốc được biết đến là đại biểu Quốc hội đã có ngót 20 năm gắn bó với nghị trường, là một nhà sử học, một nhà báo. Ông có vốn am tường về lịch sử dân tộc, về ý nghĩa đặc biệt của ngày Quốc khánh 2/9.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và đồng thời kết thúc ách đô hộ của phát xít Nhật, vào lúc đó, chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm cũng đã kết thúc. Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại ngay lập tức. Cách mạng tháng Tám cũng là sự tiếp nối những cuộc đấu tranh giành độc lập của bao thế hệ cha ông từ xa xưa.
Khi Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 diễn ra, ông Quốc chưa có mặt trên đời. Thế nhưng hơn 70 năm sống ở Hà Nội đã cho ông nhiều dữ kiện để chắp bút ghi vào lịch sử nước nhà.
Cách đây tròn 79 năm, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc hiểu theo nghĩa không còn là thuộc địa của nước ngoài, điều quan trọng là định hướng cho con đường phát triển đất nước.
"Có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập là một cương lĩnh, là một thông điệp về con đường phát triển của Cách mạng Việt Nam sau khi giành độc lập, đó là con đường phát triển phù hợp với xu thế của thời đại. Tư tưởng đó chúng ta có thể thấy từ khi Nguyễn Ái Quốc giảng dạy ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho những lớp người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Đặc biệt vào thời điểm chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm đến tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ được soạn thảo. Bằng chứng là khi Người tiếp xúc với những đơn vị của quân đội Đồng Minh mà trực tiếp là quân đội Hoa Kỳ, Người đã đề nghị sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ cung cấp bản Tuyên ngôn Độc lập của nước họ để tham khảo", ông Quốc kể lại.
Theo ông Quốc, có thể nói tất cả các tư tưởng của Người thể hiện rõ nhất trong cương lĩnh Mặt trận Việt Minh, đặc biệt liên quan đến các văn kiện tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Khi Hồ Chủ tịch trở về Hà Nội là lúc chúng ta đã giành được chính quyền và Người đã bắt tay vào soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Nêu lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Quảng Trường Ba Đình đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Quốc cho hay, nơi đây là một không gian đô thị gắn với hai thiết chế đô thị đầu tiên là Bách Thảo và Dinh toàn quyền Đông Dương.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh Hồ chọn Quảng trường Ba Đình là nơi tuyên bố Bản Tuyên ngôn Độc lập bởi vì ở đó có không gian tương đối rộng. Phủ toàn quyền nằm ở đó, chung quanh cũng rất nhiều cư dân của người Pháp sinh sống. Tuyên bố ở đây có nghĩa là tuyên bố đanh thép với cả thế giới, tâm lý cũng như dụng ý của Người là vậy", ông Quốc nêu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng chia sẻ, trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh ngọn nguồn của tư tưởng về quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể theo ông Quốc, ngọn nguồn của tư tưởng về quyền tự do, độc lập trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm - mạch nguồn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước làm cho dân tộc luôn đứng vững trước những khó khăn, thách thức, không cam chịu khuất phục trước bất cứ thế lực cường quyền nào.
Cùng với mạch nguồn đó, trong quá trình tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc được nhiều giá trị tinh hoa của nhân loại. Từ tư tưởng của các nhà dân chủ tư sản, như trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1791), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc không phải của riêng chủ nghĩa tư bản hay riêng dân tộc nào, mà là giá trị chung của toàn thể nhân loại.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng tiếp cận và đánh giá cao chủ nghĩa Tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của nhà cách mạng Trung Quốc thời kỳ cận đại Tôn Trung Sơn, cho rằng chủ nghĩa Tam dân có nhiều điểm phù hợp với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp cận với học thuyết về sự giải phóng triệt để con người.
Lý tưởng lớn nhất của con người là sự giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công, thực hiện sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Có thể thấy rõ đây là mô hình tiên tiến nhất của sự phát triển thể chế chính trị hiện đại. Chỉ cần nhắc đến những yếu tố ấy, chúng ta đủ thấy tầm vóc lớn lao của Cách mạng Tháng Tám năm 1945", ông Quốc bày tỏ.
Bên cạnh những mạch nguồn lý luận trên, ông Quốc nêu, cội nguồn của tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập còn xuất phát từ khát vọng của dân tộc Việt Nam trong gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân và phát xít. Đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, người dân kiệt quệ, lầm than... Thông qua Hồ Chí Minh, yêu cầu của lịch sử, của dân tộc Việt Nam đã được đáp ứng, đó là tìm con đường để giải phóng triệt để dân tộc, làm cho dân tộc được hồi sinh trở lại.
"Độc lập, tự do, hạnh phúc là giá trị chung của nhân loại, cũng là giá trị mà Việt Nam hướng đến từ khi nước Việt Nam mới ra đời. Mỗi dịp 2/9, đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy rất tự hào là người Việt Nam, một dân tộc trong 79 năm qua đã quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập", ông Quốc nhấn mạnh.
Ngày 2/9, gắn liền với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình. Đây được coi là một mốc lịch sử, một bước ngoặt lịch sử rất căn bản gắn liền với nước Việt Nam truyền thống với một nước Việt Nam hiện đại. Năm 1976, đất nước ta chuyển đổi sang một mô hình, một cái tên gọi mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Về căn bản đó là một giai đoạn lịch sử hiện đại mà chúng ta đã hướng tới nền dân chủ.
Ông Quốc cho hay, ngày hôm nay với độ lùi gần 80 năm, chúng ta ngồi ở đây để nhìn lại quá khứ như là một đỉnh cao trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, đỉnh cao luôn ở phía trước chứ không phải ở phía sau.
"Đỉnh cao ở đây là gì? Làm sao bảo vệ được thành quả của cuộc cách mạng ấy nhưng đồng thời phải chứng minh rằng cuộc cách mạng ấy đã mang lại hạnh phúc cho nhân dân thì nó mới có giá trị.
Tôi đã từng trải qua, từng chứng kiến và đặc biệt hơn, dưới góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, khát vọng của cá nhân tôi cũng như của nhân dân Việt Nam là thành quả đó đến với từng con người. Để tất cả mọi người đều cảm thấy tự hào khi nghĩ về quá khứ hào hùng ấy. Trong cái hào hùng ấy có sự đóng góp của chính mình và để lại cho con cháu chúng ta nối tiếp lịch sử", ông Quốc bày tỏ cảm xúc.
Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam cho rằng, đất nước ta đã và đang hội nhập với thế giới. Việt Nam tham gia tất cả các cam kết quốc tế. Trên lĩnh vực kinh tế có thể nói là một trong những quốc gia đi sớm nhất, đi nhanh nhất trong vấn đề hội nhập với thế giới bằng rất nhiều hiệp định, những cam kết để hội nhập thị trường của chúng ta với thị trường của thế giới.
Rõ ràng ở thời điểm này, Việt Nam vẫn đứng trước những thử thách rất lớn. Thử thách này không chỉ nằm trong không gian của đất nước, không chỉ trong nội bộ dân tộc mà rõ ràng cần phải chia sẻ với thế giới cả trách nhiệm cũng như thành quả đã đạt được.
"Tôi cho rằng chúng ta phải tìm tòi, phải biết rút kinh nghiệm, phải biết tự phê bình. Đồng thời chúng ta phải điều chỉnh hành vi cũng như là định hướng phát triển của đất nước. Định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên lý nhưng phải được thể hiện trong đời sống, trong thành quả của người dân, được hưởng thụ trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Những gì diễn ra vài năm trở lại đây cho thấy, đất nước ta đang thay đổi rất lớn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dám nhìn thẳng vào sự thật, dám hành động. Bên cạnh việc loại trừ những phần tử tiêu cực nhưng cũng phải xem xét hệ thống đào tạo nguồn lực về nhân sự", ông Quốc kể.
Theo ông Quốc, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 34-SL, lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Một trong những yếu tố giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công đó là cách dùng người, không phải người trăm tay, nghìn mắt. Người dùng ai vào việc gì thích hợp, không phân biệt trong Đảng hay ngoài Đảng, tự nhiên có đội ngũ rất giỏi.
"Mỗi thời đại, lòng dân có những đòi hỏi và yêu cầu khác nhau. Tôi nghĩ rằng, một trong những điều kiện tiên quyết hiện nay là phát huy dân chủ thực sự, có cơ chế tốt hơn nữa để người dân tham dự vào đời sống chính trị đất nước. Từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo thường nhắc lại câu nói "được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả". Bài học này đơn giản nhưng không dễ thực hiện.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng trước sau như một, người dân luôn tin tưởng vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó để lại bài học cho những người lãnh đạo hôm nay, là muốn vượt qua được thời kỳ khó khăn, điều quan trọng nhất là phải có lòng tin của người dân.
Trách nhiệm của nhà nước là phải làm cho dân hiểu, chứ không phải buộc người dân phải chấp thuận chính sách. Cách đây 79 năm, tầm nhìn của người lãnh đạo và lòng dân là hai trong số các nguyên nhân làm nên thành công của cách mạng tháng Tám. Bài học đó đến nay chúng ta vẫn phải thường xuyên soi lại", ông Quốc nói thêm.