"Khổ, bắt thằng bé đi gánh nước thế này làm sao nó lớn được". Đó là câu nói đùa của cô hàng xóm với mẹ tôi, chứ trẻ con thời đó, đứa nào mà chả phải lao động theo những cách khác nhau để giúp gia đình.
Đứa đi học về thì vớt bèo, xin nước gạo để nấu cám cho lợn; đứa thổi cơm, trông em, làm việc nhà; có đứa gia đình nhận làm thêm công việc gia công hộp cát tông, cứ khoanh chân bó gối cả ngày ngồi phết hồ nước gấp gấp, dán dán cũng chỉ kiếm thêm được mớ rau, cân muối...
Còn tôi nhiệm vụ rõ ràng đó là để ý cái vòi máy nước công cộng đầu đường, nếu nó chảy thì mang đôi thùng gánh nước ra xếp hàng mà gánh về còn có nước sinh hoạt.
Cả xóm tôi chỉ có một vòi nước công cộng, dân thì đông, nên việc xếp hàng không phải là một công việc đơn giản vì phải bon chen từng ly, từng tý. Có những chị đanh đá, lấy lý do đang rửa dở bó rau thì hết nước, chẳng đợi ai đồng ý, dí cái xô vào vòi nước chen ngang.
Có người làm nghề gánh nước thuê khôn lỏi đặt đến mấy đôi liền xếp hàng để được hứng liên tục. Có nước, người dân mang quần áo, chăn màn ra giặt rũ khá đông, nhất là giờ tan tầm.
Song phản cảm phải là một vài ông làm nghề xích lô, ba gác trong xóm. Đi làm về nóng, xách cái xô nhựa ra vòi nước, mình trần trùng trục, trên người chỉ mặc đúng chiếc quần đùi, vừa kỳ cọ, vừa làm sạch phần nhạy cảm bằng cách lấy cái tay khua khoắng bên trong chiếc quần thấm nước dính vào cơ thể, mỏng tang, làm các chị mới lớn đỏ bừng mặt, phải quay đi chỗ khác...
Thấy việc xếp hàng lấy nước ở vòi nước công cộng trong xóm quá phức tạp. Bố tôi gợi ý: "Hay là chịu khó lên máy nước công cộng ở Phố Huế, chỗ đó vắng người hơn". Tôi đồng ý, cho dù từ máy nước công cộng ở xóm tôi lên đó cũng phải hơn một cây số.
Tối muộn, cha tôi chuẩn bị ba đôi thùng gánh nước, quang gánh, móc xích đầy đủ. Bố tôi một đôi, tôi và chị tôi mỗi người một đôi. Chị có nhiệm vụ xếp hàng ở vòi nước máy Phố Huế và gánh đến điểm tránh tàu ở bách hóa đầu ô Cầu Dền.
Tôi đợi ở đó, đổi đôi thùng cho chị gánh sang đường về đầu đường đê Tô Hoàng. Bố tôi lại đổi thùng không cho tôi để tiếp sức gánh về nhà, chứa vào các chum, vại, thùng để có thể dùng được hai, ba ngày. Mỗi lần đi gánh nước như vậy, vai tôi đỏ rực vì đòn gánh ma sát vào vai; nhưng chỉ một loáng, cái cảm giác mệt mỏi tan biến khi cơ thể được tắm rửa bằng một thùng nước mát lạnh vừa hứng từ vòi...
Nước thời bao cấp không phải mua, nhưng do hứng nước vất vả nên gia đình tôi sử dụng rất tiết kiệm. Nước vo gạo xong đổ sang một xô riêng để rửa mâm bát đĩa sau khi ăn cơm, rồi lại đổ vào xô nước gạo thừa để nấu cám lợn.
Bố tôi bảo, rửa bằng nước vo gạo càng sạch bát, đỡ phải dùng chanh (thời đó chưa có nước rửa bát như bây giờ). Nước giặt quần áo cũng không được đổ đi, mà tận dụng để rửa chân tay, lau nhà cửa.
Sau này, để chủ động trong sinh hoạt, bố mẹ tôi đã thuê thợ lắp một giếng khoan hút nước ngầm lên sử dụng. Nước hút lên phải tự chế bể lọc, nhưng để một lúc, đã vàng khè và có mùi thum thủm, cũng chỉ dùng để tắm rửa sinh hoạt chứ không ăn uống được.
Những vòi máy nước công cộng trở nên lỗi thời, khi nước máy bắt đầu được đưa vào từng hộ gia đình, song rất yếu và cũng hay bị cắt nước luân phiên.
Đối phó với thực tế này, người dân phải dở những mánh khóe như: Khi mắc nước thì bồi dưỡng cho công nhân để ống được hạ cốt sâu hơn. Quai bò nối ống cái với ống nhỏ vào nhà, khi đục chếch càng sâu, nước càng đổ dồn về nhà mình...
Nước vào nhà thì cho chảy tự do vào một bể ngầm tích trữ. Một số gia đình còn mắc máy bơm hút trực tiếp vào đường ống. Nhà ở đầu nguồn hút, thì nhà ở cuối đường ống khô cạn. Việc này sau đó đã được ngành nước cấm, nhưng vẫn có người không chấp hành.
Chỉ khổ những nhà ở căn hộ tập thể. Thời đó chỉ có tập thể bốn, năm tầng là cùng, mang tiếng có nước vào từng căn hộ mà như không; phải xách từng xô nước lên tầng để sinh hoạt.
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, được sự trợ giúp của Chính phủ Phần Lan, một dự án nước sạch qui mô lớn do bạn tài trợ được triển khai tại Thủ đô.
Các nhà máy sản xuất nước ở Hà Nội ngày càng mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ hiện đại nên sản lượng nước tăng lên, hệ thống áp lực nước cũng được cải thiện. Đường ống bằng gang và thép trước kia gây thất thoát nước do bị đục trộm hoặc dò rỉ, dần dần được thay bằng đường ống cao su.
Hà Nội mở rộng, sự phát triển dân số gia tăng cả về tự nhiên lẫn cơ học; những dự án chung cư, với các tổ hợp tòa nhà cao tới hàng chục tầng được mọc lên, nhưng ngành nước vẫn đáp ứng được. Hiện nay, tình trạng mất nước nếu có chỉ là sự cố tạm thời.
Bây giờ, dấu tích của những chiếc máy nước công cộng, hình dáng to hơn cột mốc cây số, được đúc bằng bê tông không còn nữa.
Thế hệ sau này chắc không còn cảnh phải đi gánh từng thùng nước về sinh hoạt. Đó là thành quả đổi mới của đất nước, của Thủ đô, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đi đầu, vẫn là nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, kĩ sư, công nhân ngành nước sạch Hà Nội.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.