Ký ức Hà Nội: "Mái nhà xưa" Ô Chợ Dừa trong nỗi nhớ da diết

Nguyễn Thu Hoàn (Hà Nội) Thứ ba, ngày 27/08/2024 09:05 AM (GMT+7)
“Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”. Ca từ ấy, nhạc điệu ấy, dù cho bao nhiêu ngày tháng đi qua, vẫn luôn hiển hiện, tràn đầy trong trái tim tôi, đặc biệt mỗi khi nhớ về nơi tôi đã sinh ra, lớn lên với thời thơ ấu chỉ có một lần trong đời.
Bình luận 0

Gần nửa thế kỷ được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất ngàn năm văn hiến này, đối với tôi đó là điều tuyệt vời nhất. 

Chỉ một ngọn gió tháng Tám luồn qua tán lá cũng khiến tôi thấy sức sống đang trỗi dậy. Chỉ một thoáng hương hoa sữa nơi góc đường cũng khiến trái tim tôi lỗi nhịp với xô bồ. Tôi là thế - mong manh nhưng kiên định, hoài niệm mà chẳng lỗi thời.

Tuổi thơ tôi gắn với khu lao động nghèo nơi ngã tư Ô Chợ Dừa luôn đông vui tấp nập. 

Đấy là tôi nói ngoài đường lớn, nơi có tàu điện leng keng khiến tôi luôn háo hức mỗi khi được bước lên. Bởi cho dù tàu điện ngày nào cũng qua, nhưng tôi thì chả mấy khi có dịp được lên tàu.

Ký ức Hà Nội: "Mái nhà xưa" trong nỗi nhớ da diết- Ảnh 1.

Thời học sinh của tôi gắn với khu vực Ô Chợ Dừa cùng những kỷ niệm không bao giờ phai. Ảnh: FBNV

Chỉ đến ngày giỗ cụ, tôi mới được đi cùng bà ngoại về quê bằng con tàu mơ ước ấy. Từ Ô Chợ Dừa xuôi xuống Hà Đông, giờ chạy xe máy chắc chỉ mươi, mười lăm phút, nhưng đối với đứa trẻ 5 tuổi là tôi lúc ấy, hành trình về quê sao mà hạnh phúc, sao mà oai phong.

Cách ngã tư Ô Chợ Dừa chừng 200 mét, rẽ tay phải vào Ngõ Giếng là đường dẫn về nhà tôi. Phải qua hết cái ngõ ấy mới đến Khu lao động Thịnh Hào, nơi ghi dấu tuổi thơ tôi đầy hân hoan và thú vị.

Hai bên đường là hai dãy nhà đều nhau tăm tắp với mái ngói bạc màu, cửa sổ sơn xanh và vỉa hè vừa cao vừa rộng. Đầu hè nhà nào cũng có hai cây cột chống để mái ngói đua ra, chạy từ đầu ngõ đến cuối ngõ cũng chả lo mưa nắng. Và hoàn thiện bức tranh làng xóm ấy chính là con đường đất lẫn đá xanh thẳng tắp, huyết mạch giao thông của gần 300 ngôi nhà nơi này.

Ký ức Hà Nội: "Mái nhà xưa" trong nỗi nhớ da diết- Ảnh 2.

Những trang lưu bút mực tím của tuổi học sinh cách đây hơn 30 năm vẫn luôn khiến tôi xao xuyến mỗi khi nhớ về. Ảnh nhân vật cung cấp.

Những viên đá - dù lẫn trong đất, dù khiến mặt đường lổn nhổn đến khó đi - vẫn cứ bóng loáng dưới ánh nắng và trơn trượt khi mưa về. Ấy thế mà lũ trẻ chúng tôi chẳng bao giờ bị ngã, cũng chẳng lúc nào bỏng chân. Chỉ đếm xem cửa nhà đứa nào nhiều đá hơn cũng đã hết cả buổi trưa hè đầy nắng. Chỉ thi xem đứa nào tìm được viên đá bóng nhất cũng lao xao cả góc trời chiều.

Đối diện nhà tôi là một gò đất cao biệt lập và rộng chừng 70-80 mét vuông, nơi thờ Bố Cái Đại Vương. Ấy là chúng tôi nghe các ông bà nói thế chứ có đứa nào biết Bố Cái Đại Vương là "ông nào" đâu.

Chỉ thấy trên gò ấy có một ngôi mộ thật lớn với tấm bia đá đã mờ chữ được gắn trên bức tường to, mỗi chiều cỡ phải 4 mét. Hai bên mộ là những luống cúc vạn thọ màu cam thơm hăng hắc, là cây hoa đại thơm ngát nhưng chẳng đứa nào dám hái vì sợ "Cây đại có ma".

Ký ức Hà Nội: "Mái nhà xưa" trong nỗi nhớ da diết- Ảnh 3.

Cuộc sống sau vài chục năm đã mang tới nhiều sự thay đổi, nhưng tình cảm của tôi về Hà Nội nơi tôi sống vẫn luôn lung linh, tươi đẹp. Ảnh: FBNV

Ngày trăng tròn, trên gò lại nghi ngút khói hương do các bà các mẹ lên cúng lễ. Có đôi chiều hè, chúng tôi cũng rủ nhau lên gò chơi. Gọi là chơi nhưng đơn giản chỉ là đi vòng quanh ngắm cái bia đá, kiễng chân thật cao cố nhìn xem trên ấy viết chữ gì. Rồi đố nhau, rồi phỏng đoán… nhưng tuyệt nhiên chẳng đứa nào dám ồn ào. Dù trình độ mới chỉ O-A, nhưng chúng tôi biết nơi ấy linh thiêng và cần được giữ gìn.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Ngõ nhỏ nhà tôi giờ đã được rải nhựa, được gắn tên phố Đông Các. Gò đất thờ Bố Cái Đại Vương theo năm tháng cũng nhỏ dần lại vì đất chật người đông. Chỉ có sự linh thiêng, hồn xưa cũ ấy - với tôi - vẫn trường tồn mãi mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem