Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội)
Thứ hai, ngày 26/08/2024 14:23 PM (GMT+7)
Không như những cánh đồng thôn quê ở ngoại thành Hà Nội, "cánh đồng nông nghiệp" này chỉ cách Nhà hát lớn chừng 500m về phía Tây. Từ nhiều năm nay, "làng nông nghiệp" ven sông Hồng vẫn lặng lẽ tồn tại như thế, bỏ xa cái ồn ã, náo nhiệt, xô bồ của chốn đô thành.
Gần 30 năm học tập, sinh sống và làm việc ở Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hoà bình, ký ức trong tôi vẫn vẹn nguyên nhiều kỷ niệm, cùng với bao tâm trạng cảm xúc vui buồn lẫn lộn đan xen.
Nhưng có lẽ, đọng lại trong tệp ký ức tua chậm của tôi là quãng thời gian gần 10 năm gắn bó (2009 - 2017) với "làng nông nghiệp" Bạch Đằng - bãi bồi ven sông Hồng ngay sát trung tâm chốn "kinh kỳ" phồn hoa.
Đó là những buổi chiều hè say sưa làm nông, cuốc đất, tưới rau, tắm mình trong bóng chiều hoàng hôn tĩnh lặng của sông Hồng và màu xanh vút tầm mắt, cảnh vật hoà quyện rất đỗi tự nhiên, yên bình, nên thơ...
Tôi nhớ những chiều muộn mùa hè, khi từng ánh nắng chiều cuối cùng le lói vương vất trên từng bụi cây dại, thi thoảng từng cơn gió nhẹ từ bờ sông Hồng thổi vào hun hút, đem theo làn hơi mát rượi trong lành làm dịu hẳn khí trời ngột ngạt oi bức…
Ngõ nhỏ ấy đã lại bắt đầu những tiếng "mời gọi" lao xao. Không ai bảo ai, mọi người tất tả xách bình ô doa, người lật đật vác cuốc thuổng lên vai, người cẩn thận nâng niu từng khóm cây giống...cùng nhau vội vã, hối hả xuống vườn để bắt đầu những giờ cuối chiều say sưa với nghiệp nhà nông.
Không như những cánh đồng thôn quê khác, "cánh đồng nông nghiệp" này chỉ cách Nhà hát Lớn Hà Nội chừng 500m về phía Tây. Bỏ xa cái ồn ã, náo nhiệt, xô bồ của chốn đô thành, từ nhiều năm nay, "làng nông nghiệp" ven sông Hồng vẫn lặng lẽ tồn tại như thế.
Để đến được làng nông nghiệp, người dân di chuyển từ Nhà hát Lớn Hà Nội, men dọc qua Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, lên đến dốc Bác Cổ rồi chạy thẳng theo đường Cầu Đất, rẽ trái theo đường Bạch Đằng chừng dăm bước chân nữa thì dừng lại…
Ngay phía bên phải đường, một con ngõ nhỏ hun hút hiện ra. Cứ thẳng theo lối vào ngõ, chỉ mất một phút đi bộ, khung cảnh sông Hồng với những bãi bồi màu xanh ngút ngát đã hiện ra. Đến đây, ai cũng ngỡ đây là khung cảnh hiền hoà của một nơi chốn thôn quê nào đó.
Xế chiều. Trời hãy còn nắng, cái nắng nhàn nhạt của hoàng hôn mùa hạ. Thưa thớt một vài bóng người đang lúi húi cặm cụi bên những luống rau nhà mình. Khung cảnh yên tĩnh đến lạ kỳ, nghe rõ cả từng bước chân người, tiếng chim kêu xao xác về tổ đâu đây, khác hẳn cái xô bồ ồn ã phố phường chỉ cách đó vài trăm mét.
Nhắm mắt lại tưởng tượng, phảng phất trong ký ức khi đậm đặc, lúc mờ nhoè của tôi khi xuống đồng hành với bà xã vui thú điền viên là hình ảnh bác Luyến - "lão nông tri điền" của xóm... Thoáng nghe bước chân người, bác Luyến ngừng tay và ngẩng lên, quệt những giọt mồ hôi còn vương đầy trên mặt.
"Lão nông" này gắn bó với ngõ nhỏ trên con phố Bạch Đằng khi còn là anh công nhân của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, bác đã có thêm nghề tay phải cuốc đất, trồng rau khu bãi bồi này từ rất nhiều năm với tâm niệm "mùa nào thức nấy, chả nhiều nhặn gì, sẵn đất hoang thì làm và vui là chính".
Tôi lại nhớ thêm hình ảnh bác say sưa ngắm nhìn những luống cà trĩu quã, những thửa rau muống, rau cải và rất nhiều loại cây trái xanh tươi khác "đằm mình" trong từng luống ngay ngắn - sản phẩm cho thấy hết giá trị của đất bồi ven sông.
Nhớ lại lời kể của bác Luyến, tôi biết rằng trước đây chỉ có lẻ tẻ một số hộ gia đình tận dụng đất bãi bồi ven sông Hồng khu vực này làm cho vui. Nhưng dần dà, số lượng gia đình "cắm đất" dưới bãi sông Hồng cũng ngày một nhiều lên.
Tiếng là làm cho vui nhưng khi đã có nhiều hộ gia đình tự nguyện, háo hức gia nhập "hợp tác xã" với những khoảnh đất "tự nhận, tự chia" thì chuyện trao đổi giống má, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm bón, vun xới, lựa chọn trồng cây gì vào mùa nào… đã trở thành chuyện chung không của riêng ai. Và vì thế, mỗi người trở thành "chuyên gia" nông nghiệp thực thụ từ lúc nào không hay!
Cũng có lúc, đất phụ công người. Nhất là mỗi khi vào mùa nước nổi tháng ngâu, triều cường, nước lên, dâng ngập hết. "Dã tràng xe cát biển đông", đành chịu mất trắng. Nhưng chỉ vài hôm sau khi nước sông Hồng rút đi, những con người ấy lại tiếp tục cần mẫn với niềm vui chăm bẵm, tưới tắm vườn tược của mình. Niềm vui làm nông nghiệp khiến họ quên đi tuổi tác, muộn phiền và lại có thêm cho mình những sản phẩm nông nghiệp "nhà trồng được", vừa sạch sẽ hợp vệ sinh, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho chính nhà mình.
Và nhất là lan toả niềm vui tán lộc "cho đi" với những mớ rau, trái quả làm quà chân thành, thân thiết. Tôi cũng nhớ những hôm cao điểm vào mùa "thu hoạch", cả ngõ nhỏ rộn ràng như mở hội với các sản phẩm trồng được. Từng mớ rau, từng mớ quả được xếp đặt gọn gàng, ngay ngắn, vừa để đem bán bù đắp lại một phần giống má bỏ ra, vừa để đem cho những người thân ở xa. Niềm vui nho nhỏ đơn sơ nhưng không gì sánh nổi…
Phóng tầm mắt ra xa. Từng con tàu chở cát vẫn đang miệt mài hối hả với hành trình ngược xuôi của mình. Trên bờ những "nông dân" của Thủ đô đang hăng say chăm bón, vun trồng từng luống rau.
Thỉnh thoảng tôi vẫn trở về nơi chốn cũ. Không chỉ là miền ký ức thẳm sâu. Vùng đất bãi ven sông, chất chứa phù sa, màu mỡ…vẫn tiếp tục khơi dậy, đánh thức niềm say mê lao động và cũng không phụ công người chăm bón với những luống rau xanh mát mắt, báo hiệu một vụ mùa bội thu, đem lại niềm vui phấn khởi…
Ngay phía trên là những tòa nhà bê tông cốt thép tân tiến sừng sững, sáng loáng mặt kính phản chiếu, như chẳng hề biết đến sự tồn tại của một vùng nông nghiệp xanh mát ngay sát trung tâm Thủ đô.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.