Clip: Sân khấu hoá nghi lễ cúng "Cây thần thiêng" (tri tông sếnh) của đồng bào Mông.
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết, chào mừng kỷ niệm 79 năm cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, huyện Thuận Châu tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao huyện Thuận Châu năm 2024.
Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Thuận Châu; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, ẩm thực, sản phẩm OCOP của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới.
Khích lệ, động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, tôn vinh, giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu nói chung, đồng bào các dân tộc vùng cao Thuận Châu nói riêng đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
"Trong khuôn khổ Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao huyện Thuận Châu năm 2024 có phiên chợ vùng cao Co Mạ. Phiên chợ được duy trì tổ chức hàng năm nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, từ lâu đã trở thành sự kiện không thể thiếu với mỗi người dân vùng cao huyện Thuận Châu. Đây đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi dịp tổ chức.
Năm nay, UBND huyện Thuận Châu tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao năm 2024 từ ngày 26/8 đến 2/9/2024 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, nhằm giới thiệu về mảnh đất vùng cao Thuận Châu tươi đẹp, con người vùng cao Thuận Châu thân thiện, mến khách.
Du khách và người dân đến dịp này không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa truyền thống mà còn được tham gia và tìm hiểu một số hoạt động như: Phục dựng nghi lễ cúng "Thờ cây thần thiêng"; trải nghiệm thi hái quả sơn tra; tham gia các hoạt động tại chợ phiên, thi đẩy gậy, đánh tu lu, giã bánh dày, tung còn, ném pao, trải nghiệm văn hóa ẩm thực các dân tộc; trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông; trưng bày triển lãm ảnh đẹp…", ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu nhấn mạnh.
Ngay sau Lễ khai mạc đã diễn ra nghi lễ cúng "Cây thần thiêng" được thực hiện bởi các già làng, người có uy tín đến từ các bản Co Mạ, Pha Khuông, Huổi Dên (xã Co Mạ) và bản Pú Chứn, Cắn Tỷ (xã Long Hẹ, Thuận Châu).
Tại nghi lễ, thầy cúng là người thực hiện nghi lễ dẫn đầu cùng đoàn vừa đi vừa phát cỏ, dọn đường tới "Cây thần thiêng"; phát cỏ xung quanh cây (hình ảnh cây thần thiêng tượng trưng).
Thầy cúng chỉ đạo mọi người san đất tại gốc cây để đặt bàn thờ, mọi người lắp bàn thời bằng tre, đặt các lù cở, buộc chân cho di chuyển được.
Sau khi xong công việc chuẩn bị, người phục vụ thắp hương đưa cho thầy cúng. Thầy cúng cầm hương khấn rồi cắm vào ống tre. Người phục vụ đưa cho thầy cúng đôi gà sống (gà mái và gà trống), thầy cúng cầm đôi gà sống hướng về "Cây thần thiêng" và bắt đầu cúng.
Sau khi cúng xong, đôi gà được mang đi mổ, luộc chín để thực hiện nghi lễ cúng của dân bản.
Cỗ cúng của dân bản gồm: 2 con gà luộc, 1 gói cơm tẻ, 1 gói cơm nếp, 2 bát canh, 5 chén rượu, giấy bản trắng, giấy bạc. Dân bản sẽ mời "Cây thần thiêng", thần đất, thần rừng, thần núi, thần nước về ăn cỗ.
Là một trong những thầy cúng tại lễ phục dựng "Cây thần thiêng", ông Ly Giống Và, bản Huổi Dên, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Việc cúng "Cây thần thiêng" sẽ do những già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ lên rừng để chọn cây to nhất, có tán lá rộng và thực tế người Mông thường chọn cây đa làm "Cây thần thiêng".
Nghi lễ cúng được thực hiện tại gốc "Cây thần thiêng", với mong muốn "Cây thần thiêng" phù hộ cho bản mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây ngô ra nhiều bắp, cây lúa trên nương trĩu hạt; con trâu, con bò, con lợn, con gà chóng lớn, không bị dịch bệnh; không bị thiên tai, hoạn nạn; rừng cây ngày càng tốt tươi, dân bản đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau nhiều hơn, cùng nhau xây dựng bản làng ấm no hạnh phúc.
"Việc thực hiện xong nghi lễ cúng, dân bản ai cũng đều biết đó là "Cây thần thiêng" cùng với lời hứa thực hiện đầy đủ quy ước, hương ước làng bản; không chặt cây, phá rừng; bảo vệ nguồn nước sạch cho dân bản; không trồng và hút thuốc phiện; luôn đoàn kết cả bản như anh em trong 1 nhà; thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt 5 có, 5 không; đảm bảo an ninh trật tự; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cùng nhau xây dựng bản làng ấm no hạnh phúc….
Khi thực hiện nghi lễ cúng xong, thầy cúng lấy vải đỏ trong lù cở để buộc vải đỏ vào "Cây thần thiêng", sau đó buộc vào 4 ống tre đựng hương; buộc vào một số cây xung quanh thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết cùng bảo vệ dân bản.
Đồng thời, để mọi người trong bản và bản khác biết đó là "Cây thần thiêng" để họ không chặt cây "Cây thần thiêng" của bản", ông Ly Giống Và nói.
Theo ông Ly Giống Và, bản Huổi Dên, xã Co Mạ, khi nghi lễ cúng "Cây thần thiêng" được thực hiện xong mọi người trở về nhà. Cứ vào dịp cuối năm (tháng 11-12), đầu năm mới âm lịch hàng năm, thầy cúng chọn ngày giờ tốt, đến gặp già làng, trưởng bản để thông báo ngày giờ tổ chức nghi lễ; già làng, trưởng bản thông báo ngày giờ tổ chức nghi lễ "Cây thần thiêng" đến toàn thể nhân dân.
Nghi lễ cúng "Cây thần thiêng" (tiếng Mông là tri tông sếnh) của dân tộc Mông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu có từ lâu đời và được duy trì, phát huy đến ngày nay với mục đích cầu cho nhân dân luôn khoẻ mạnh, không bị ốm đau, không bị kể xấu làm hại, mọi điều bình an.
Ông Thào A Của, Bí thư Đảng uỷ xã Co Mạ thông tin: Thực hiện kế hoạch tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao năm 2024, Đảng uỷ xã Co Mạ đã họp cùng với UBND xã để triển khai, trong đó, mời các già làng, người có uy tín của xã để họp thống nhất lựa chọn một trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào Mông để phục dựng lại, đó là nghi lễ cúng "Cây thần thiêng".
Việc tổ chức phục dựng trích đoạn nghi lễ cúng "Cây thần thiêng" là việc làm thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giới thiệu, quảng bá mảnh đất và con người vùng cao Co Mạ tới nhân dân và du khách thập phương.
Cùng với đó, nhằm giáo dục các thế hệ đồng bào Mông vùng cao giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, không bị mai một đi. Đây cũng là nghi lễ mang ý nghĩa bảo vệ cộng đồng, bản làng.