Hiệu quả từ mô hình hoạt động của hợp tác xã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, nâng cao chất lượng và phát huy thế mạnh nông sản chủ lực của địa phương.
Trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP
Ông Huỳnh Văn Mười (65 tuổi) – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh cho biết: "Hợp tác xã Kim Thanh thành lập từ năm 2010 đến nay, giờ đây đã có hơn 38 thành viên. Hợp tác xã sản xuất các loại nấm như: bào ngư (sò), mộc nhĩ (nấm mèo), linh chi, đông cô, nấm hương, nấm rơm.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, Hợp tác xã đã liên kết với nhiều bà con nông dân trên địa bàn. Tính đến nay, Hợp tác xã đang có hơn 4.000m2 diện tích trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP".
Không dừng lại ở sản xuất kinh doanh nấm ăn, nấm dược liệu, Hợp tác xã Kim Thanh còn mở ra nhiều lĩnh vực mới như sản xuất kinh doanh, tiêu thụ rau củ quả sạch; tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ..
Theo ông Mười, nhìn chung các loại nấm đều dễ trồng, chỉ cần nắm rõ đặc tính và quy trình kỹ thuật là có thể phát triển tốt mô hình.
Người trồng cần chủ động trong việc chăm sóc nhà nấm tương thích với tình hình thời tiết, độ ẩm phù hợp, mát mẻ và ánh sáng khuếch tán.
Bên cạnh đó, môi trường nuôi trồng nấm phải luôn giữ sạch sẽ, an toàn, bịch phôi nấm được thanh trùng trước khi cấy giống..
Clip - Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Hợp tác xã trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất để nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Hợp tác xã Kim Thanh trồng nấm theo quy trình VietGAP nên sản phẩm sau khi thu hái sẽ trải qua bước kiểm định và phân loại nghiêm ngặt, để loại bỏ những cây nấm không đạt chuẩn. Những cây nấm tốt sẽ được làm sạch và cắt bỏ chân nấm, sau đó đưa vào chế biến.
Để nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao, hợp tác xã đã đầu tư trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất, thay thế lao động thủ công.
Đồng thời chế biến nấm tươi thành các sản phẩm như nấm rim, mứt nấm, nấm khô, rượu nấm, nước mắm nấm... nhằm đa dạng sản phẩm, tạo thương hiệu riêng, tăng giá trị các mặt hàng nông sản và bảo vệ môi trường.
Tất cả các quá trình xử lý và chế biến đều được lên kế hoạch kỹ để không cần dùng đến phụ gia mà sản phẩm vẫn giữ được chất lượng tốt nhất.
Từ đó, các sản phẩm nấm của Hợp tác xã Kim Thanh được khách hàng ưa chuộng, dần khẳng định được thương hiệu uy tín trên thị trường, trở thành đầu mối cung cấp thực phẩm sạch cho nhiều nhà hàng và hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP.Đà Nẵng như: Coopmart, Vitamart, Greentech Foods, GO....
Doanh thu 2,5-3,5 tỷ đồng/năm
Ông Mười chia sẻ: "Sau khi qua chế biến, giá trị của các loại nấm được nâng lên nhiều lần, thị trường tiêu thụ được mở rộng với những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện nay, Hợp tác xã Kim Thanh, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đang tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, hợp tác xã còn chú trọng thay đổi bao bì, mẫu mã, tập trung xây dựng thương hiệu, tham gia các sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiến xa hơn. Hiện nay, Hợp tác xã Kim Thanh đang nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP của TP.Đà Nẵng".
Tháng 5/2024, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, văn phòng làm việc, nâng cấp trại nấm để chống lũ lụt. Hiện nay, mỗi tháng Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 40.000 bịch phôi nấm và hơn 200kg nấm các loại mỗi ngày, giá bán dao động từ 80.000-1.200.000 đồng/kg (tùy loại).
Qua đó, cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu luôn sản phẩm cho bà con nông dân, tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu ước đạt khoảng 2,5-3,5 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, Hợp tác xã Kim Thanh tích cực đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững.
Bên cạnh những khó khăn về vốn và thiếu nguồn nhân lực trẻ, Hợp tác xã còn gặp khó về quỹ đất sản xuất. Ông Mười cho biết: "Hiện nay, các trại thành viên liên kết của Hợp tác xã có quy mô nhỏ, phân tán, gây chi phối trong công tác quản lý và gia tăng chi phí sản xuất. Do đó, Hợp tác xã mong muốn thành phố tạo cơ hội về quỹ đất để đơn vị mở rộng cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô lớn.
Từ đó hướng đến khẳng định được vị thế của mình trên con đường sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững, trở thành một trong những mô hình nông nghiệp an toàn và hiện đại hàng đầu khu vực".