Xin chào ông Đào Việt Long - Giám đốc điều hành Fantasea Travel. Mấy ngày nay, thị trường du lịch Việt Nam được chào đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ. Đây là nhóm khách MICE với số lượng rất đông kể từ sau đại dịch tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Trước hết, tôi phải khẳng định đây là tín hiệu rất tốt cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch MICE Việt Nam nói riêng, khách hàng đã tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến đi của họ. Nếu truyền thông hiệu quả, thì đây sẽ là cú hích quan trọng cho điểm đến Việt Nam với thị trường du lịch MICE, giúp chúng ta tự tin tiếp cận một cách chủ động.
Giai đoạn trước Covid, chúng ta cũng đã đón rất nhiều đoàn MICE quốc tế với quy mô lớn, nhưng thường sẽ là từ một số thị trường gần như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia…, hầu hết đây là các thị trường có khoảng cách đường bay tới Việt Nam trong khoảng 2-3 tiếng. Với đoàn khách Ấn Độ này, chúng ta đã vươn xa hơn về khoảng cách địa lý, hướng tới những thị trường có khoảng cách đường bay từ 4-5 tiếng tới Việt Nam.
Có nhiều ý kiến cho rằng, MICE là dòng khách chất lượng cao, chi tiêu nhiều. Tuy nhiên nhìn vào hoạt động thực tế của đoàn 4.500 khách Ấn Độ, thì việc chi tiêu tại Việt Nam của nhóm khách MICE này dường như chỉ ở mức khiêm tốn. Họ ăn chay, nguyên liệu nhập từ Ấn Độ sang, đầu bếp cũng người Ấn. Đi tham quan tại Ninh Bình hay Hạ Long cũng chỉ trong ngày, không nghỉ qua đêm ở các điểm đến này. Điều này đang mâu thuẫn, ông nghĩ sao?
- Tôi không có nhiều thông tin về đoàn khách này nên cũng không bình luận về việc họ chi trả bao nhiêu cho phần dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhận định bên trên là đúng, thì điều đầu tiên, chúng ta phải nhìn vào vấn đề của chính chúng ta. Thị trường Ấn Độ là một thị trường khách đặc thù, có những yêu cầu khắt khe, đặc biệt về vấn đề ăn uống, bên cạnh đó, một đoàn MICE lớn thì yếu tố được đặt lên hàng đầu là sự an toàn.
Chúng ta phải đặt ra câu hỏi cho chính chúng ta về hạ tầng dịch vụ, về mức độ thích ứng với các yêu cầu đặc biệt của một vài thị trường cá biệt, về thái độ và sự chuẩn bị của cả hệ thống dịch vụ trong việc đón tiếp một thị trường lớn và tiềm năng như Ấn Độ.
Thị trường Ấn Độ bắt đầu nổi lên sau Covid khi các hãng Hàng không tăng cường tần suất bay giữa hai nước, tính đến nay được khoảng hơn 2 năm, nhưng rõ ràng chúng ta chưa có tâm thế chuẩn bị về mặt dịch vụ cho một thị trường đặc thù và tiềm năng này. Sau Ấn Độ, có thể sẽ là thị trường khách Hồi Giáo, nếu chúng ta không hành động thì câu chuyện tương tự sẽ lại xảy ra, ngành du lịch sẽ không tối đa hóa được doanh thu từ những đoàn khách MICE như này.
Việc không lưu trú ở những điểm như Hạ Long, Ninh Bình, một phần nằm ở yếu tố nghiệp vụ trong vận hành một đoàn lớn, thông thường khách sẽ lựa chọn đi về trong ngày với các điểm đến có bán kính 2-3 tiếng bằng ô tô từ Hà Nội. Bên cạnh đó, khả năng cung ứng dịch vụ ở các điểm như Ninh Bình hay Hạ Long, số lượng nhà hàng, khách sạn có đủ, có đồng bộ, có đáp ứng được các yêu cầu đặc biệt của khách hay không?
Nếu chúng ta có đủ nguồn lực và hạ tầng, đáp ứng được về hành vi, thói quen, những yêu cầu đặc biệt của khách hàng thì dù là thị trường nào, du lịch MICE vẫn là đối tượng có khả năng mang lại doanh thu cao cho ngành Du lịch Việt Nam
Xin ông nói rõ hơn về việc du lịch MICE Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, chưa được khai thác hết tiềm năng?
- Nếu so sánh trong phạm vi khu vực, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch MICE. Chúng ta sở hữu tài nguyên tự nhiên phong phú, là điểm đến giàu bản sắc văn hóa, lịch sử. Trong những năm gần đây, chúng ta cũng có nhiều thay đổi lớn trong phát triển hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhiều khách sạn mới, đẳng cấp Quốc tế có quy mô lớn trải dài trên cả nước, các Trung tâm Hội nghị, Hội thảo lớn với quy mô phục vụ hàng ngàn người, điều này cho thấy hạ tầng không còn là yếu tố thách thức.
Cá nhân tôi cho rằng, có một vài yếu tố có thể kể đến như:
Chúng ta chưa tiếp cận du lịch MICE một cách chuyên nghiệp và chủ động. Chúng ta chưa có kế hoạch quảng bá một cách bài bản tới thị trường du lịch MICE trên thế giới.
Chúng ta thiếu dữ liệu để phân tích: Số liệu tổng thể số lượng khách du lịch MICE hàng năm đến Việt Nam. Số liệu cụ thể về số lượng khách MICE của từng thị trường.
Kết nối giữa những điểm đến tiềm năng về MICE tại Việt Nam với Quốc tế còn nhiều hạn chế.
Năng lực phục vụ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch MICE chưa được coi trọng
Sự liên kết trong hệ sinh thái dịch vụ chưa đủ chặt chẽ để có thể đưa ra những sản phẩm tốt, tập trung vào thế mạnh của điểm đến với mức giá cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Thái Lan, Singapore hiện đều có chiến lược phát triển riêng cho loại hình MICE, ngược lại tại Việt Nam các doanh nghiệp vẫn đang tự làm, tự mày mò, ông có nghĩ vậy?
- Điều này cũng khá hợp lý, bởi du lịch MICE tại Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, trong khi Thái Lan, Singapore họ đã đi trước chúng ta rất nhiều năm. Ở Thái Lan hay Singapore, họ tiếp cận loại hình này một cách rất bài bản và chủ động, ví dụ như hàng năm họ đều tổ chức những hội chợ Quốc tế chuyên biệt cho du lịch MICE.
Đó là cơ hội để họ quảng bá điểm đến, dịch vụ của họ tới khách hàng, là nơi để những người làm du lịch MICE gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu thế về sản phẩm cho loại hình này. Bên cạnh đó, trong hệ thống tổ chức hoạt động lữ hành ở các nước như Thái Lan hay Singapore, họ thường có những Công ty làm chuyên về thị trường khách MICE (Mice House), đó là những đơn vị họ chỉ tâp trung vào nghiên cứu sản phẩm, công nghệ và tiếp cận duy nhất tới đối tượng khách MICE.
Ở Việt Nam thì các doanh nghiệp vẫn độc lập tác chiến, tự tham gia các Hội chợ MICE trên thế giới, tự tiếp cận theo cách riêng của mỗi doanh nghiệp. Cơ hội đến với những doanh nghiệp như chúng tôi hoàn toàn theo cách bị động, có nghĩa là khách hàng có kế hoạch, lựa chọn điểm đến rồi mới tìm đến các đơn vị đón tiếp họ. Như thế, mình chưa chủ động gợi mở và khai thác được nhu cầu của khách hàng, mà bị động làm theo yêu cầu của họ, việc này có thể dẫn đến các hệ lụy: Có thể chúng ta sẽ mất cơ hội hoặc có thể chúng ta không tối ưu hóa được giá bán và dịch vụ cung cấp.
Vậy, theo ông, chúng ta cần làm thế nào để "Định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam trên bản đồ du lịch MICE thế giới"?
- Ở góc độ vĩ mô, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch MICE trong giai đoạn hiện tại, thể hiện ở việc vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng, sự dịch chuyển công xưởng của các Tập đoàn lớn, các Công ty Đa Quốc Gia tới Việt Nam. Đây là cơ hội để tăng cường giao thương giữa các nước trên thế giới với Việt Nam, là cánh tay nối dài để quảng bá cho điểm đến Việt Nam với khách hàng MICE trên thế giới. Ngoài ra, những năm gần đây, chúng ta cũng tổ chức những sự kiện văn hóa, chính trị lớn, tạo được sự quan tâm và sự công nhận là điểm đến an toàn, hiếu khách của du khách quốc tế.
Để định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam trên bản đồ du lịch MICE thế giới, chúng ta cần sự quan tâm của các cơ quan bộ ban ngành liên quan với các cơ chế chính sách hỗ trợ hơn nữa cho việc phát triển du lịch MICE. Sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan từ điểm đến, hàng không, đơn vị tổ chức và mọi thành phần dịch vụ khác. Chúng ta phải phân tích thật kỹ về điểm mạnh, điểm yếu, đánh giá đúng về năng lực cung ứng của bản thân thì mới biết chào bán sản phẩm gì, ở quy mô như nào.
Việc xúc tiến quảng bá đóng vai trò rất quan trọng. Nó phải được thực hiện một cách tổng thể và là sự kết hợp giữa vai trò định hướng của các Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và sự tham gia quyết liệt của cộng đồng Doanh nghiệp làm du lịch MICE. Việt Nam nên có những hội chợ về du lịch MICE, những diễn đàn hàng năm, là nơi giao lưu trao đổi cơ hội, kiến thức, kinh nghiệm của những người làm du lịch MICE.
Xin cảm ơn ông!