Ngư dân Nam Định chấp hành nghiêm công điện chống bão YAGI - bão số 3
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 5/9, con tàu dài hơn 20m mang BKS:NĐ-92382TS, công suất hơn 300CV bắt đầu cập bến Cảng cá Ninh Cơ (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Sau nhiều ngày đánh bắt xa bờ, con tàu đã "ăn" no hải sản ác loại.
Tàu cập bến, ông Vũ Văn Tắc (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - người phụ trách tàu, tranh thủ cầm sổ sách vào khai báo cập cảng với Ban Quản lý Cảng cá Nam Định, đồng thời hô hào các lao động trên thuyền đưa hải sản lên bờ, cân bán cho thương lái.
Ông Tắc chia sẻ, cách đây 2 ngày, ông đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 3 - bão YAGI từ các lực lượng chức năng trong tỉnh. Qua theo dõi, nhận định đây là cơn bão có sức tàn phá mạnh, phạm vi ảnh hưởng lớn, ông quyết định cho tàu quay vào bờ để tránh trũ bão an toàn, bảo vệ tài sản và người.
"Sau khi được thông tin về cơn bão số 3 có khả năng mạnh lên thành siêu bão, anh em chúng tôi thống nhất dừng đánh bắt, quay tàu vào bờ sớm nhất có thể để tránh trú bão an toàn", ông Tắc cho hay.
Đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Thanh Hóa, nhưng khi nhận được tin báo về cơn bão số 3, chủ tàu Trần Đức Thịnh (xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) quyết định nhổ neo, quay tàu vào bờ tránh trú bão tại Cảng cá Ninh Cơ, dù thời tiết chưa có nhiều biến động.
Trước khi quay hướng tàu về Nam Định trú bão, anh Trần Đức Thịnh chủ động liên hệ với 8 chủ tàu khác cùng về cảng cá Ninh Cơ trú bão. Sau khi cập bến, các chủ tàu đã khai báo với Ban Quản lý Cảng Cá Nam Định.
Anh Trần Đức Thịnh bảo, con tàu mang BKS: NĐ-92762TS của gia đình anh cập bến an toàn, về sớm hơn dự định.
"Hiện, tàu của gia đình đã đưa vào âu trú bão an toàn theo sự sắp xếp của cán bộ Cảng cá Nam Định. Chúng tôi cũng đã chằng chéo dây thừng cẩn thận để tàu không va đập khi có gió to, mưa lớn", anh Thịnh nói.
Ghi nhận tại Cảng cá Ninh Cơ, chiều ngày 5/9, trời nắng nhẹ, thời tiết chưa có nhiều biến động, song với tinh thần "khẩn trương, nhanh chóng", các con tàu đánh bắt xa bờ của Nam Định không chủ quan, đang hối hả vào bờ cập bến.
Thời tiết tạnh ráo, đã tạo điều kiện cho các chủ tàu triển khai các giải pháp chống bão số YAGI một cách an toàn, hiệu quả…
Nhiều tàu, thuyền Nam Định đã vào bờ trú bão YAGI - bão số 3 an toàn
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định thông tin, Cảng cá Ninh Cơ có sức chứa khoảng 200 tàu, đảm bảo cho các tàu trú ẩn an toàn.
Theo ông Chung, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo về người và tài sản, Ban Quản lý Cảng cá Nam Định đã thông báo về tình hình cơn bão tới các chủ tàu. Hiện, các tàu đã nhận được thông báo và đang trên đường vào bờ trú ẩn.
Ông Chung nói thêm, khi cập cảng, các chủ tàu đều đến khai báo và được cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Cảng hướng dẫn đánh lái tàu vào âu, neo đậu an toàn. Các tàu được sắp xếp hợp lý.
"Tính đến 16 giờ ngày 5/9, đã có 120 tàu cập bến Cảng cá Ninh Cơ, 96 tàu cập bến tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Hà Lạn, 110 tàu cập bến tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Quần Vinh an toàn", ông Chung cho hay.
Tỉnh Nam Định hiện có 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân. Đến 10h ngày 4/9, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị, địa phương và đang trên đường vào bờ.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 - bão YAGI, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở ban ngành có liên quan… cần chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết, không đi vào, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Tại các khu neo đậu tàu, thuyền cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền.
Bên cạnh đó, các địa phương ven biển tiến hành rà soát, chủ động kế hoạch, sẵn sàng vận hành các phương án sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...