Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ nam thanh niên đâm tử vong người đàn ông ngoại quốc ở Bình Dương

T. Nam - K. Trinh 06/09/2024 11:08 GMT+7
Theo luật sư, đối tượng đâm tử vong người đàn ông ngoại quốc ở Bình Dương có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự 2015.

Nam thanh niên đâm tử vong người đàn ông ngoại quốc

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, ngày 4/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ đối tượng Hồ Tiền Phong (SN 2001, quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tỉnh Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi giết người.

Theo điều tra ban đầu, chiều 3/9, Phong bị cha của mình đánh vì thường xuyên ăn nhậu không lo làm việc.

Do bực tức, Phong từ trong dãy trọ chạy ra đường tự lao người vào xe ô tô của ông L.W.F (SN 1960, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) đang đậu bên đường làm móp cửa xe, nên hai bên nảy sinh mâu thuẫn. 

Ông F .lấy cây gậy Golf đánh vào lưng Phong. Sau đó, Phong chạy về phòng trọ lấy 1 cây kéo bằng kim loại quay lại đâm khiến nạn nhân gục ngã. Phát hiện vụ việc, người dân đã căn ngăn và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do vết thương nặng, ông L.W.F đã tử vong trước khi vào viện.

Lúc này, tổ tuần tra vũ trang của Công an phường An Phú nhận được tin báo đã đến hiện trường, bắt giữ đối tượng Hồ Tiền Phong cùng tang vật gây án.

Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc công ty TNHH Luật Tín Hải cho hay, hành vi của đối tượng gây án thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, đã tước đi quyền được sống của người khác, phá hoại tài sản của người khác, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên cần có hình phạt tương xứng.

Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định của pháp luật, tội giết người là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người. Hành vi giết người là tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. 

Thanh niên đâm chết người nước ngoài vì bị "cha đánh do ăn nhậu không lo làm việc" có thể đối mặt với mức án - Ảnh 1.

Đối tượng Hồ Tiền Phong (SN 2001, quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tỉnh Bình Dương). Ảnh: CABD.


Hành vi cấu thành tội phạm về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với khung hình phạt thấp nhất là 20 năm, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi phá hoại, hủy hoại tài sản của người khác khi cố ý làm móp cửa xe của nạn nhân được quy định tại Điều 15, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hại tài sản của người khác.

Theo luật sư Huy, việc xác định các đối tượng có bị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh và kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng. Qua đó, quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt để khi lượng hình đối tượng nhận mức án tương xứng với hành vi mà mình thực hiện.

Vụ việc trên cũng là bài học cảnh báo việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, một lần nữa cho thấy hậu quả của cơn nóng giận, thiếu kiềm chế gây nguy hại đến mức nào. Nếu nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng người khác và khả năng kìm chế cảm xúc bản thân của mỗi người thì mới có thể giảm đi những vụ việc xảy ra như trên.