Dân Việt

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Dân có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch (Bài 1)

Văn Long 23/09/2024 12:59 GMT+7
Người dân tỉnh Lâm Đồng đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bởi vướng các quy định về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản mà chủ yếu là bauxite.

LTS: Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 866/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 866). Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tại Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông là hai địa phương có diện tích nằm trong Quyết định 866 rất lớn, khoáng sản được quy hoạch chủ yếu là bauxite. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có hơn 70.000ha, tỉnh Đắk Nông có hơn 92.000ha đất bị ảnh hưởng. Hai tỉnh này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân không thể làm nhà, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, giao dịch đất... bởi Quyết định 866.

Báo Dân Việt đã tiến hành thăm dò, lấy ý kiến của người dân, chính quyền địa phương về những khó khăn, vướng mắc bởi Quyết định 866.

Tránh dự án lại "vướng" quy hoạch

Có mặt tại tổ 19, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), phóng viên Dân Việt gặp được ông Lê Trung Hưng.

Ông Hưng cho hay: "Năm 2008, gia đình chúng tôi sống ở tổ 20, sau đó có dự án xây dựng Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng, chúng tôi được đền bù và tái định cư tại tổ 19 của thị trấn Lộc Thắng. Về thị trấn Lộc Thắng được 15 năm, đến nay đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế thì chúng tôi lại bị vướng vào quy hoạch khoáng sản 866.

Vì vướng quy hoạch, nên mặc dù có khá nhiều đất đai nhưng tôi lại không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể cho, tặng con cái được. Như vậy là tôi tránh dự án bô xít để chạy về đây, không ngờ về đây lại dính quy hoạch tiếp".

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 1.

Toàn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) có hơn 50.000ha đất bị ảnh hưởng bởi Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Hưng, người dân tổ 19 rất muốn làm con đường cho khang trang để đi lại, nhưng cũng vướng quy hoạch nên đành phải đi đường đất, chịu cảnh "nắng bụi mưa lầy".

Ông Lê Trung Hưng chỉ là một trong số rất nhiều người không thể xây nhà, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, cho tặng đất đai để con cháu, vì "vướng" các quy định trong Quyết định 866.

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 2.

Ông Lê Trung Hưng trao đổi với cán bộ thị trấn Lộc Thắng về những khó khăn, vướng mắc của mình và người dân trong vùng.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, thu nhập phục vụ cho đời sống của người dân chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng cây chè, cà phê, cây ăn trái như măng cụt, bơ, mít và cây dâu tằm. Việc một diện tích quá lớn quy hoạch vào khu vực khai thác, thăm dò khoáng sản sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, tác động không nhỏ đến tâm lý và tiềm ẩn nhiều đơn thư khiếu nại.

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 3.

Đời sống người dân huyện Bảo Lâm đang gặp nhiều khó khăn khi vướng quy hoạch khoáng sản.

Còn theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tỉnh Lâm Đồng có trữ lượng khoáng sản (chủ yếu là bauxite) lớn nhất nhì khu vực Tây Nguyên, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Qua rà soát của cơ quan chức năng, địa phương này có tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi Quyết định 866 là hơn 70.000ha, trong đó khoáng sản bauxite có diện tích quy hoạch trên 65.000ha.

Khi thực hiện Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng các công trình dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất gặp nhiều khó khăn. Việc này đã làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, dẫn đến tâm lý lo lắng trong một bộ không nhỏ người dân địa phương.

Đất chục tỷ nhưng "nằm im"

Không chỉ riêng huyện Bảo Lâm, nhiều người dân tại TP. Bảo Lộc cũng đang gặp nhiều khó khăn vì vướng Quyết định 866. Qua rà soát, chính quyền TP. Bảo Lộc xác định có hơn 4.200ha thuộc ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 4.

Vợ chồng ông Tuấn đang rất lo lắng khi mảnh đất của gia đình không thể tách thửa, sang nhượng hay xây nhà trên đất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, sống tại tổ 6A, phường Lộc Tiến (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cách đây 4 năm, mảnh đất của gia đình ông được định giá đến 40 tỷ nhưng đến giờ "nằm im", không thể làm gì được vì vướng quy hoạch.

Rót ly nước trà khi nói chuyện với phóng viên, ông Tuấn chia sẻ: "Giờ vợ chồng tôi đã già rồi, mong muốn là các con, các cháu được ở gần khi già yếu, ốm đau. Đất thì nhiều nhưng muốn tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để các cháu xây nhà, dựng cửa thì chính quyền bảo không được vì vướng quy hoạch. Vì thế mà người dân chúng tôi rất lo lắng, không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ".

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 5.

Anh Dũng (trái) bên căn nhà đã đập bỏ một phần nhưng không thể tiếp tục xây dựng do vướng quy hoạch khoáng sản.

Oái oăm hơn, gia đình anh Lê Quý Dũng (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) lại không thể làm được nhà dù đã đập bỏ nhà cũ. Gia đình anh Dũng đến thị trấn Lộc Thắng sinh sống ổn định từ năm 1985. Quá trình sinh sống, gia đình anh Dũng đã phá bỏ căn nhà cũ để xây dựng căn nhà mới nhằm ổn định cuộc sống.

Thế nhưng khi anh Dũng đi xin phép xây dựng nhà thì không được chấp thuận vì vướng quy hoạch khoáng sản. Vì vậy, hiện gia đình anh Dũng phải đi thuê nhà, thuê trọ để sống, không thể xây nhà trên mảnh đất của mình.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, phần lớn diện tích thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản là khu trung tâm, khu dân cư sinh sống tập trung, khu hành chính của các xã, thị trấn, đã được đầu tư hạ tầng, công trình như trụ sở UBND xã, trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3, trường mầm non, trạm y tế, bưu điện... Đặc biệt là có khu vực đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu của huyện, dân cư tương đối đông với khoảng hơn 65.500 người (chiếm 53,7% dân số của huyện).

Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản ở Tây Nguyên: (Bài 1) Có đất nhưng không được làm nhà, tránh dự án lại vướng quy hoạch- Ảnh 6.

Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, có gần 100.000 người dân tại tỉnh này gặp khó khăn vì quy hoạch khoáng sản.

Qua rà soát của huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc, phần lớn diện tích thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản là đất sản xuất nông nghiệp, đất đai tương đối màu mỡ, thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Qua thống kê, thu nhập bình quân của người dân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt năm 2023, do giá cà phê tăng cao so với cùng kỳ nên đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm nên nhân dân khu vực này có thu nhập tương đối cao so với các khu vực còn lại.

Liên quan đến những vướng mắc của người dân, ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Đây là vấn đề không chỉ riêng của người dân mà là việc của các huyện, thành phố, của cả tỉnh Lâm Đồng phải quan tâm, xem xét giải quyết... Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để xem xét, giải quyết.

Tỉnh Lâm Đồng cũng theo dõi rất sát sao vấn đề này. Vừa qua tỉnh Lâm Đồng cũng đã công bố quy hoạch của tỉnh, nếu không điều chỉnh kịp thời quy hoạch 866 thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến đời sống, anh sinh xã hội của nhân dân và các dự án trọng điểm của tỉnh".