Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch

Văn Long Chủ nhật, ngày 23/06/2024 19:00 PM (GMT+7)
Trong Hội nghị Điều phối vùng Tây Nguyên, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều ý kiến về việc gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bình luận 0

Công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên

Chiều ngày 23/6, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, ông Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ trì Hội nghị Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 1.

Các địa biểu tham dự Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên.

Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Song song với đó, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Đặc biệt, giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 2.

Các thành viên Hội đồng điều phối Vùng Tây Nguyên cùng đón nhận Quyết định Quy hoạch Vùng Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường của vùng Tây Nguyên năm 2023 đạt kết quả còn khiêm tốn so với cả nước, nhưng các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với các năm trước. Qua đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Vùng năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030.

Đến nay, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã hoàn thành được 16/25 nhiệm vụ, chiếm 64% số nhiệm vụ được giao. Đối với 9 nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 3.

Ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị.

Thứ Trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát cơ chế, chính sách về phát triển vùng Tây Nguyên. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã để xuất 10 chính sách cụ thể để phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 4.

Tỉnh Đắk Nông đang gặp khó vì Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản, chồng lấn với quy hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch chồng lấn quy hoạch

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao đổi, nêu những khó khăn của địa phương trong phát triển kinh tế. Trong đó, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đã đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đã được các tỉnh Tây Nguyên đề xuất, hỗ trợ về vốn cũng như thủ tục thực hiện.

Ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Tỉnh Gia Lai mong nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương. Đồng thời cam kết khẩn trường tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh cũng như vùng tây nguyên theo quy định. Nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành chung, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Từ đó, để nhà đầu tư triển khai các dự án phù hợp với mục tiêu đã xây dựng. Đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông kết nối Gia Lai với các khu vực lân cận và cả nước".

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 5.

Ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay, việc vướng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch đô thị, hạ tầng, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được địa phương báo cáo Chính phủ và các bộ, ban, ngành nhưng chưa được giải quyết. Việc này không những ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án điện gió, điện phân nhôm... mà còn ảnh hưởng đến các công trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

"Trước hết, tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn về chồng lấn các quy hoạch phát triển ngành quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như các địa phương.

Song song với đó là sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, chi phí thực hiện việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản để địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện", ông Lê Văn Chiến nói.

Các tỉnh Tây Nguyên gặp khó vì tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Điều phối vùng Tây Nguyên – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ lá phổi xanh cho khu vực và của cả nước. Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương, toàn hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

"Ba điều các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay đó là phát triển hệ thống giao thông kết nối. Các tỉnh có thể trao đổi, làm việc với nhau để cùng làm hệ thống đường giao thông kết nối. Bên cạnh đó là phát triển du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng không được "đụng hàng". Về cơ bản, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên na ná nhau nên du lịch phải làm khác, không được giống nhau thì mới đi theo tour được. Cuối cùng, các tỉnh có thể chia sẻ nhau trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần phát triển toàn khu vực", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định.

Điều quan trọng nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 5 tỉnh Tây Nguyên chủ động rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7 để xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch Bô xít mà các địa phương đã báo cáo, kiến nghị tại hội nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem