Dân Việt

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2)

Văn Long - Công Nam 24/09/2024 07:01 GMT+7
Vì vướng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản mà chủ yếu là bauxite, nhiều địa phương ở Lâm Đồng, Đắk Nông không thể đầu tư, xây dựng các công trình công cộng thiết yếu, đầu tư công lâm vào tình cảnh "có tiền nhưng không tiêu được".

Đầu tư công gặp khó

Có mặt trực tiếp tại thị trấn Lộc Thắng, trung tâm huyện Bảo Lâm, phóng viên Dân Việt chứng kiến nhiều công trình của địa phương này đã phải dừng lại. Thậm chí, ngay đầu con đường dẫn vào trung tâm hành chính của huyện Bảo Lâm còn có căn nhà bỏ hoang, bị tháo dỡ, với những bức tường nham nhở.

"Có tiền nhưng không tiêu được" là câu nói vui khi chúng tôi trao đổi với nhiều cán bộ địa phương về việc đầu tư công.

Dẫn phóng viên đi khảo sát những vướng mắc của chính quyền địa phương và người dân khi thực hiện Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 866), ông Nguyễn Đình Gắn – Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng cho hay, hiện thị trấn có đến 75% diện tích bị vướng vào quy hoạch khoáng sản, chủ yếu là bauxite. Trong đó, có nhiều công trình phúc lợi phục vụ an sinh xã hội ở địa phương như xây dựng hội trường tổ dân phố, đường giao thông phải dừng lại.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Gắn (phải) trao đổi với một người dân tại thị trấn Lộc Thắng về khó khăn trong cuộc sống khi vướng quy hoạch khoáng sản trên địa bàn.

"Hiện nay, thị trấn Lộc Thắng có 6 công trình công cộng như hội trường tổ dân phố, đường giao thông đã được UBND huyện Bảo Lâm bố trí vốn nhưng cũng không triển khai xây dựng được. Bà con nhân dân trên địa bàn thị trấn cũng không thể chuyển mục đích sử dụng đất, từ đó dẫn đến việc không thể xây dựng được.

Ngoài ra, khi các nhà đầu tư muốn vào thị trấn Lộc Thắng để đầu tư nhưng việc chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản 866 với dự án Bô xít – Nhôm Lâm Đồng đã khiến giao dịch bất động sản gần như không thực hiện được, dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế. Điều này cũng dẫn đến việc thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Đình Gắn thông tin.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 2.

Một khu đất trống (góc trái, bên dưới ảnh) nằm ngay trung tâm huyện Bảo Lâm bỏ hoang, không thể xây dựng vì vướng Quyết định 866.

UBND huyện Bảo Lâm cho biết, toàn huyện có trên 51.000ha đất nằm trong ranh quy hoạch 866, diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu thuộc 9 xã và 1 thị trấn. Hiện nay, quy hoạch vùng huyện Bảo Lâm đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đang phải tạm dừng, chưa phê duyệt do trùng lắp ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tứ - Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho hay, năm 2022, địa phương thông qua 6 Nghị quyết đầu tư 6 dự án tái định cư tại huyện Đắk R'lấp. Các dự án này có mục tiêu bố trí tái định cư cho các hộ dân bị Nhà nước thu hồi đất khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Alumin Nhân Cơ, Dự án khai thác mỏ Nhân Cơ - Đắk Nông.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 3.

Các dự án tái định cư cho hoạt động khai thác bauxite tại huyện Đắk R’lấp không thể triển khai vì nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến... bauxite. Ảnh Phước Long.

Thế nhưng, đến nay, trong 6 khu tái định cư này, chỉ có duy nhất khu tái định cư tại thôn 11 (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp) không vướng quy hoạch bauxite và có thể triển khai ngay. 5 khu tái định cư còn lại vướng quy hoạch bauxite, phải xin ý kiến từ Trung ương mới được triển khai nhưng hiện chưa có phản hồi, người dân vẫn mòn mỏi chờ đất để ổn định cuộc sống.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các khu tái định cư được quy hoạch trên đất có chiều dày thân quặng bauxite mỏng, nằm phân tán, không tập trung, trữ lượng quặng nguyên khai ít, vận chuyển khó khăn do phải sử dụng các tuyến đường dân sinh, cung độ xa. Trong khi đó, khối lượng hoàn trả mặt bằng sau khi khai thác quặng lại lớn.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 4.

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông khảo sát tại khu khai thác mỏ Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hoàng Nam.

Từ đó cho thấy, việc thu hồi khoáng sản bauxite tại các khu vực dự kiến xây dựng tái định cư không có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét không khai thác quặng bauxite tại các khu vực dự kiến xây dựng các khu tái định cư trên.

Hàng ngàn dự án không thể triển khai

Cũng liên quan đến quy hoạch khoáng sản, tại tỉnh Đắk Nông đang có hơn 1.000 dự án có nhu cầu sử dụng đất. Ngoài ra, còn có các công trình đầu tư công, điện gió, các trụ sở sinh hoạt tôn giáo cũng đang chồng lấn lên diện tích quy hoạch bauxite.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 5.

Dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông đang gặp vướng mắc, không thể triển khai vì vướng quy hoạch khoáng sản. Ảnh: Phước Long.

Cụ thể, hiện nay Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đang làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án do Chính phủ giao kế hoạch sử dụng vốn trong năm 2023. Các dự án trên bao gồm: Tỉnh lộ 2, đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê; Cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 5; Cải tạo, nâng cấp, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi thu gom rác huyện Đắk R’lấp; Dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông...

Tuy nhiên, các dự án trên đang phải dừng lại vì chưa có hướng tháo gỡ trong việc xác định thẩm quyền cấp phép, giải pháp thu hồi (tức khai thác), bảo vệ, phương án tính tiền cấp quyền đối với bauxite có thể có trong khu vực khai thác đất làm vật liệu san lấp.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 6.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 240.000ha đất đã được đánh giá xác định tài nguyên, trữ lượng bauxite. Trong ảnh là một góc TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phước Long.

Ông Ngô Đức Trọng - Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho phóng viên biết, toàn huyện này có đến 53% diện tích là đất thăm dò bauxite, nhiều nhất trong tất cả các huyện tại Đắk Nông. Hầu hết những vị trí thăm dò đều nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm của huyện.

"Việc huyện Đắk Song bị quy hoạch thăm dò bauxite hơn một nửa diện tích kéo theo rất nhiều hệ lụy. Hàng trăm tỷ đồng đầu tư công bị dừng lại, nhiều công trình giao thông trọng điểm không thể làm được. Điều này gây trở ngại lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Ngô Đức Trọng nói.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 7.

Đường tỉnh lộ 2 của tỉnh Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai vì vướng quy hoạch khoáng sản. Ảnh: Phước Long.

Trong khi đó, UBND TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) lại cho rằng, Quyết định 866 đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất cần thu hồi, giải tỏa để thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, đoạn qua TP. Bảo Lộc. Trong đó, có Khu tái định cư phường Lộc Phát với diện tích khoảng 23ha đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 27/10/2023.

Gỡ vướng quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên: Chính quyền “có tiền nhưng không tiêu được” (Bài 2) - Ảnh 8.

Nhiều dự án quan trọng tại TP. Bảo Lộc đã được phê duyệt trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 866 bị ảnh hưởng.

Đây là dự án được phê duyệt để phục vụ tái định cư cho người dân khi triển khai xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tuy vậy, hiện phần lớn diện tích đất trong dự án khu tái định cư này đều nằm trong diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.