Ngày 8/9, theo báo cáo ban đầu, tỉnh Thái Bình chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền sau khi chịu ảnh hưởng của siêu bão Yagi.
Một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều; toàn tỉnh có khoảng 30 cột điện bị đổ, 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy, 17 trạm biến áp bị sự cố.
Về sản xuất nông nghiệp, có 6 nghìn héc ta lúa mùa bị thiệt hại 30 - 70%, 5 nghìn héc ta lúa mùa bị thiệt hại trên 70%; có 585 héc ta rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30 - 70%, 2.760 héc ta rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng trên 70%; có 1.215 héc ta cây ăn quả bị ảnh hưởng 30 - 70%, 170 héc ta cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 70%; diện tích lúa nghiêng, đổ bị úng ngập ước tính khoảng 18.000 héc ta; một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở.
Ngay sau khi bão có chiều hướng giảm, tất cả các lực lượng trong tỉnh Thái Bình đã ra hiện trường tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, trong đó tập trung dọn dẹp cây đổ, các vật chướng ngại trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở...) đồng thời khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm bảo đảm giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão.
Việc tập trung khôi phục hệ thống điện, nhất là hệ thống điện cho các trạm bơm để nhanh chóng tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp đang được tỉnh Thái Bình nỗ lực xử lý, phấn đấu đến sáng ngày 9/9, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh này cơ bản được khôi phục;
Với các trường học, nhà xưởng bị tốc mái, tỉnh Thái Bình cũng đang kịp thời khắc phục đối; rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, bảo đảm thông tin thông suốt.
Ngày 8/9, theo ghi nhận của nhóm PV Dân Việt tại Thái Bình, thời tiết tại khu vực không có mưa, gió nhẹ. Tại huyện Tiền Hải, người dân tập trung ra đường để xử lý, dọn dẹp các cành cây, lá cây bị gió quật rụng xuống mặt đường.
Ở thị trấn Tiền Hải, nhiều cây cối bên đường bị đổ rạp, có cây nằm chắn ngang đường. Theo người dân, có những cây cổ thụ có tuổi đời đến 10 năm, đã chịu nhiều cơn bão nhưng cũng không trụ lại được trước sức gió quá khủng khiếp từ siêu bão Yagi.
Tương tự như ở Tiền Hải, tại TP.Thái Bình cũng ghi nhận tình hình cây xanh bị đổ nhiều. Người dân, lực lượng chức năng cũng như các đơn vị liên quan đang khẩn trương thu dọn hiện trường, trả lại mặt đường để các phương tiện lưu thông.
Tại huyện Vũ Thư, theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này, diện tích lúa mùa toàn huyện bị thiệt hại 50% là 3 nghìn héc ta; diện tích cây màu bị thiệt hại 70%, ước khoảng 1.115 héc ta; nhiều diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâu năm, cây bóng mát bị đổ gẫy. Ngày 7/9, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào đất liền, địa bàn huyện Vũ Thư nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, gây ra nhiều sự cố và thiệt hại lưới điện.
Theo chính quyền huyện Vũ Thư, dự kiến đến hết ngày 8/9 sẽ khôi phục toàn bộ các đường dây trung thế trên địa bàn. Sau đó, tổng kiểm tra các trạm biến áp phân phối và đường dây 0,4 kV để khôi phục dần phụ tải, cấp điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Phú – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Minh Khai, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, ông đang rất lo lắng bởi một số diện tích lúa trên địa bàn bị ngập trắng.
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều diện tích lúa mùa của xã Minh Khai bị ngập ngang cây lúa, thậm chí có đến 10 héc ta bị ngập trắng. Vào thời điểm PV ghi nhận tại cánh đồng thôn Nội, xã Minh Khai, khoảng 4 héc ta lúa bị ngập trắng.
Xã Minh Khai vẫn đang mất điện từ trưa 7/9 nên chưa thể vận hành hệ thống tiêu úng. Trong khi đó, ở cánh đồng thôn Hội xã Minh Khai, khoảng 5 héc ta lúa mùa cũng trong tình trạng ngập trắng.
Đáng chú ý, ở khu vực cánh đồng thôn Hội hệ thống tiêu tự chảy cũng gặp khó khăn do nước sông đang lớn hơn nước nội đồng.
Chỉ tay về phía những diện tích lúa bị ngập trắng và diện tích bị ngập ngang thân trên cánh đồng, ông Phú đánh giá, phần lớn diện tích lúa mùa của xã Minh Khai đang ở giai đoạn ôm đòng, nếu nước không tiêu thoát được sẽ ảnh hưởng đến đòng và năng suất lúa, nguy cơ mất mùa là hiện hữu.
"Tôi tiếc nuối quá, nếu vụ mùa không bị ảnh hưởng bởi bão thì lúa đẹp như vụ xuân. Trong vài ngày tới nếu không thoát được nước lúa sẽ hỏng. Nhiệt độ dưới 30 độ thì có thể 3 ngày sẽ có vấn đề, tuy nhiên nếu nhiệt độ ấm lên, khoảng trên 30 độ thì chỉ cần 1 ngày là đòng ung" – ông Phú bày tỏ.
Theo ông Phú, hiện các tổ nông giang đang tích cực khơi thông vật cản trên sông, mương máng tạo dòng chảy thông thoáng để tiêu thoát nước. Với hệ thống trạm bơm tiêu úng, các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng vận hành khi có điện để bơm tiêu úng cứu lúa.