Thái Bình yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đến ngay vị trí được phân công để chống bão

Nguyễn Hoà Thứ tư, ngày 04/09/2024 19:07 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa có công điện hoả tốc, yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với bão số 3.
Bình luận 0

Ngày 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã có công điện hoả tốc, điện Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, các tổ chức đoàn thể; các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc chủ động ứng phó với bão số 3.

Công điện thể hiện, theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão số 3 rất mạnh, có diễn biến rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, để chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp để không xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản ở trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt ở 2 huyện ven biển.

Thái Bình yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đến ngay vị trí được phân công để chống bão- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các lãnh đạo sở, ngành đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp phòng, chống cơn bão số 3. Ảnh: Thaibinh.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các đơn vị sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn.

Cùng với đó triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, chống tràn ở các vị trí đe thấp, đe bối, bờ bao tại các tuyến đê; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển để phòng bão kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối.

Người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh này và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2024 đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp phòng, chống bão; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, đê, kè, cống để chỉ đạo đôn đốc, tham mưu biện pháp xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu…

Ông Nguyễn Khắc Thận cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang chủ động huy động cán bộ, chiến sỹ xuống các địa phương hỗ trợ chính quyền và nhân dân các cấp chống bão, hộ đê.

Thái Bình yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đến ngay vị trí được phân công để chống bão- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn yêu cầu các đơn vị không được lơ là trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3. Ảnh: TB

Ở một diễn biến khác, chiều ngày 4/9, ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão số 3.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến 11 giờ ngày 4/9, trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó, có 255 phương tiện với 682 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 41 phương tiện với 235 lao động hoạt động ngoài tỉnh; 674 phương tiện với 1.823 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 25 phương tiện với 198 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. 

Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có gần 2.900 lao động canh coi tại hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà. Toàn tỉnh có 681 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng… Toàn tỉnh có 1.129 bè nuôi hàu cửa sông, trong đó, Tiền Hải có 1.120 bè, Thái Thụy 9 bè.

Bên cạnh đó, đến ngày 3/9, diện tích lúa mùa toàn tỉnh gieo cấy 74.327 ha. Diện tích lúa mùa đã trỗ bông khoảng 25.000 ha đạt 33,6% diện tích lúa mùa đã gieo cấy. Diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch 4.585 ha đạt 53,2% diện tích cây màu hè thu đã trồng.

Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình nhận định, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông, có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh.

Ông Hoàn yêu cầu mỗi địa phương, đơn vị cần phải chủ động, sẵn sàng, bám sát chỉ đạo của cấp trên, nhất là Công điện số 86/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bão.

Vị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng tập trung tuyên truyền, thông tin tình hình, diễn biến và cấp độ của bão ở từng thời điểm; thông tin chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các hoạt động phòng, chống, ứng phó với bão ở các địa phương.

Chủ động liên lạc, tuyên truyền, vận động ngư dân, lao động làm ăn trên biển, nhất là lao động trên các tàu thuyền đang hoạt động ngoài tỉnh, các hộ gia đình sinh sống tại vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem