Chiều 9/9, Đoàn Công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế do TS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão lũ tại một số cơ sở y tế tại Yên Bái.
Theo BS Trần Quang Mạnh, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Yên Bái, hiện TP.Yên Bái có 3 trạm y tế ngập sâu là trạm y tế Nam Cường, trạm y tế Hồng Hà và trạm y tế Nguyễn Thái Học.
Ngoài ra còn 2 trạm y tế khác đang hoàn toàn bị cô lập là trạm y tế xã Tuy Lộc và trạm y tế xã Hợp Minh. Hiện đường vào 2 trạm y tế này nước lũ ngập đến cổ. Trạm cũng mất điện, phải dùng đèn dầu. Các thiết bị y tế đã được nhân viên y tế khẩn trương di chuyển lên tầng 2.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng trạm y tế Nam Cường cho biết, do trạm y tế nằm trong vùng trũng nên từ trước bão lũ, trạm đã chủ động phòng ngừa.
Trạm chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt.
Đồng thời, trạm cũng chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp.
"Chúng tôi đã chủ động di chuyển các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu lên tầng 2 đề phòng tình huống ngập lụt gấy hỏng hóc máy móc, gián đoạn công tác cứu chữa người bệnh.
Các cán bộ y tế thường trực 24/24, chuẩn bị thuốc cơ động, dự phòng cho người dân bị tiêu chảy, ngã, dị ứng... Trước tình huống mất điện tại trạm, các cán bộ y tế của trạm đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục phụ công tác chuyên môn", bác sĩ Hường cho biết.
Hiện các trạm y tế không có bệnh nhân lưu trú, nhưng vẫn có người đến khám. Mới đây có 1 bệnh nhân bị rắn cắn đến khám, hiện đã được bộ đội cõng về nhà. Nhân viên y tế và bộ đội sẵn sàng trực để ứng cứu các trường hợp cấp cứu.
Đến thăm và kiểm tra trạm y tế xã Nam Cường, TS Dương Huy Lương đã động viên các cán bộ y tế và đề nghị Trạm kiểm tra các thiết bị pin, lập danh mục thuốc, hộp nhựa bảo quản thuốc; chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu, đặc biệt là các loại thuốc do người dân vùng ngập lụt như thuốc tiêu chảy, cảm lạnh, hen dị ứng...
Thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế đã không quản ngại mưa bão nguy hiểm kiên trì bám trụ, khắc phục mọi khó khăn để phục vụ người dân, TS Dương Huy Lương đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ y tế trạm.
TS Lương đã trực tiếp kiểm tra các thiết bị pin, lập danh mục thuốc, hộp nhựa bảo quản thuốc; chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu, đặc biệt là các loại thuốc do người dân vùng ngập lụt như thuốc tiêu chảy, cảm lạnh, hen dị ứng,...
Trước đó, ngày 8/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1462/KCB-QLCL&CĐT gửi Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung về công tác khắc phục tác động, hậu quả sau cơn bão số 3 và triển khai công tác khám, chữa bệnh.
Theo báo cáo nhanh, thống kê ban đầu một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau do hậu quả của bão số 3. Tuy vậy, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn bảo đảm duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.
Trạm y tế ngập sâu trong nước lũ. Video Lê Hảo