Giống lúa TBR97 là giống lúa thuần do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo và chuyển giao bản quyền cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, giống được công nhận lưu hành theo quyết định số 194/QĐ-TT-CLT ngày 01/08/2022 và quyết định số 424/QĐ-TT-CLT ngày 21/11/2023.
Vụ mùa năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh Phú Thọ và UBND xã Tân Thịnh xây dựng triển khai mô hình trình diễn giống lúa TBR 97 tại cánh đồng thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh và tính thích nghi với điều kiện sinh thái để làm cơ sở đề nghị bổ sung vào cơ cấu sản xuất của huyện.
Đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn: Ở các tỉnh phía Bắc: Vụ Xuân 121 - 123 ngày, vụ Mùa 101 - 106 ngày. TBR97 là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh Chiều cao cây 90 – 99 cm, dạng hình lá gọn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao. Khối lượng 1000 hạt 23,4 - 24,8 gam.
Qua thời gian theo dõi thực tế trên đồng ruộng, cho thấy, mặc dù cùng điều kiện canh tác và chăm sóc nhưng giống lúa thuần TBR97 thể hiện được khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, độ đồng đều cao.
Năng suất trung bình 68 - 90 tạ/ha, nếu thâm canh cao có thể đạt 90 -100 tạ/ha. Vượt trội hơn với những giống lúa hiện đang gieo cấy phổ biến ở địa phương và giống lúa đối chứng. Tỷ lệ gạo xát cao, hàm lượng amylose 15,1 – 18,6%, hạt gạo dài, trong, cơm trắng, mềm, đậm, ngon vừa, có mùi thơm nhẹ.
Ông Hoàng Văn Hồng, thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình với diện tích 3000m2 chia sẻ: "Giống lúa TBR97 là một lựa chọn tốt cho chúng tôi vì nó có khả năng chống chịu bệnh tốt và năng suất cao. Trồng giống lúa này, chúng tôi thấy rõ những ưu điểm vượt trội so với các giống lúa truyền thống. Lúa TBR97 phát triển mạnh mẽ, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu và đất đai ở địa phương. Đặc biệt, nó giúp chúng tôi giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và cộng đồng".
Ông Hồng cũng nhấn mạnh việc áp dụng mô hình trồng lúa mới này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp nâng cao kỹ thuật canh tác của nông dân địa phương.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cẩm, thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa (hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình với diện tích 2.000m2) cho biết: Chúng tôi cũng nhận thấy giống lúa này cho hạt gạo chất lượng cao, có hương vị ngon và dẻo hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong gia đình và có thể đem lại lợi nhuận cao hơn khi bán ra thị trường. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc và quản lý đúng cách, năng suất lúa TBR97 trên diện tích 3000m² của chúng tôi đạt hiệu quả tốt, góp phần cải thiện đời sống kinh tế gia đình."
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của giống lúa thuần TBR97, đặc biệt giống lúa này rất cứng cây, chống đổ tốt, thích với điều kiện thời tiết bất thuận. Nên bà con nông dân mong muốn giống lúa sớm được đưa vào sản xuất đại trà ở các vụ tiếp theo, thay thế dần những giống lúa đã bị thoái hóa, năng suất thấp từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm lúa gạo có chất lượng.