Ngày 11/9, tại Quảng Ninh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã chủ trì buổi làm việc về tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão Yagi gây ra tại tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng.
Buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN, Vụ Tài chính – Kế toán, Cục Phát hành và Kho quỹ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh báo cáo: Sau cơn bão số 3, trụ sở làm việc (chi nhánh, các phòng giao dịch) và các cơ sở vật chất khác (trụ máy ATM, máy móc thiết bị, biển hiệu, mái tôn, cây xanh,…) của hầu hết các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bị ảnh hưởng và hư hỏng, trong đó một số đơn vị bị thiệt hại khá nặng.
Qua thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn ước tính khoảng 27,4 tỷ đồng
Theo thống kê ban đầu của Tỉnh Quảng Ninh, đến nay có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503 ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị hư hỏng; hệ thống điện bị mất triên diện rộng; thông tin liên lạc bị ngắt, không liên lạc được, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Trong đó có nhiều đơn vị là khách hàng hiện đang vay vốn tại các TCTD trên địa bàn.
Tính đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 10.811 khách hàng, với tổng dư nợ 7.437 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 để lại; cá biệt có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản). Trong đó, các khách hàng bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:
- Lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp: 6.262 KH; dư nợ 1.403 tỷ đồng;
- Lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng: 416 KH; dư nợ 3.497 tỷ đồng;
- Lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch: 4.133 KH; dư nợ 2.537 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN có mặt tại thị xã Quảng Yên chia sẻ, hậu quả rất lớn của cơ bão số 3 để lại, rất nhiều khách hàng, nhiều doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ được và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt.
"Vì vậy đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các Ngành, đặc biệt với Ngành Ngân hàng và các NHTM. Phải cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài góp phần ổn định cuộc sống trong những ngày mưa bão này, cũng như khắc phục hậu quả trong thời gian tới", Phó Thống đốc nói.
Bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng báo cáo: Tính đến thời điểm 10/9/2024, qua số liệu báo cáo nhanh các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn đảm bảo an toàn về người và an toàn kho quỹ, hầu hết các Chi nhánh TCTD, Phòng giao dịch và các QTDND trên địa bàn đã hoạt động bình thường từ ngày 09/9/2024, một số điểm giao dịch chưa hoạt động ngay được do chưa khắc phục được cơ sở vật chất tại trụ sở hoặc sự cố về đường truyền mạng và mất điện.
Hầu hết các Chi nhánh TCTD và Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều có thiệt hại về cơ sở vật chất (như biển hiệu, mái tôn, trần nhà, cửa kính, biển quảng cáo, cửa cuốn, cabin đặt máy giao dịch tự động…bị hư hại).
Bà Dung cho biết, về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3: Có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão.
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.
NHNN đã có văn bản chỉ đạo tất cả các NHTM phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn; cần có những chính sách kịp thời để khắc phục ngay các khó khăn trong cuộc sống hiện tại của những ngày đang mưa bão này.
Đặc biệt những ngày trong bão và ngay sau khi bão, cũng cần cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí để mua sắm những đồ dung trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống do rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hàng ngày.
Những khoản nợ của của các doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nuôi trồng thủy hải sản ở các vùng Quảng Ninh này, cần phải có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết là hoãn giãn nợ, giảm lãi và đặc biệt là mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng, còn các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế cũng như theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, Thủ Tướng Chính Phủ trong những ngày mưa bão vừa qua và sắp tới.