Sông Hồng đoạn chảy vào nước ta bắt đầu từ tỉnh Lào Cai, chảy qua địa bàn các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, TP Hà Nội, rồi chảy về mạn hạ du các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và đổ ra Biển Đông. Lịch sử hàng nghìn năm cho đến trước khi có hệ thống thủy điện Hòa Bình, sau này là Sơn La, Lai Châu (cắt lũ sông Đà), sông Hồng luôn được coi là dòng sông dữ mỗi mùa mưa lũ về, vì thế việc trị thủy dòng sông này luôn được quan tâm trong bất cứ giai đoạn nào.
Đối với hệ thống đê sông Hồng vốn được hình thành từ lâu và liên tục được Trung ương, các địa phương dành nguồn lực để đầu tư xây dựng. Hệ thống đê sông Hồng được chia thành hai bên, bên tả và bên hữu.
Người dân Hà Nội cũng đã quá quen thuộc khi hàng ngày di chuyển trên những con đường đê hai bên bờ sông Hồng như Âu Cơ- Nghi Tàm- Trần Nhật Duật (bên tả) hay trên các tuyến đê bên hữu thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Thế nhưng, chẳng ai mảy may nghĩ nó là… đê, mà chỉ nghĩ đó là đường, vì mặt nước sông Hồng nằm ở quá xa so với những tuyến đê này.
Hà Nội và miền Bắc đã lâu lắm rồi không có bão, lũ lớn, có chăng chỉ là vài cơn áp thấp nhỏ gây mưa, rồi lũ lên chưa đến báo động 1 đã rút. Sông Hồng đã có những thời kỳ rơi vào tình trạng khô hạn, mực nước sông xuống thấp đến nỗi, các tỉnh không đủ nước để lấy đổ ải, phải chờ thủy điện Sơn La, Hòa Bình xả lũ để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến độ năm 2016, lần đầu tiên, Hà Nội có văn bản đề nghị xin được… hạ cốt đê (đoạn Âu Cơ- Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi) xuống bằng mực nước báo động 2 để phát triển giao thông, tiện đi lại.
Cụ thể, tại thời điểm đó, Hà Nội đã hai lần có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ +12,4m. Rất dứt khoát, tại thời điểm đó, Bộ NNPTNT không đồng ý với đề xuất này, mà yêu cầu Hà Nội phải đảm bảo mặt đê sau cải tạo không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế 13,5m.
Trực tiếp tham gia tác nghiệp đợt đấy, tôi vẫn có nhớ rõ, rất nhiều ý kiến dạo đó đều "ủng hộ" Hà Nội cho rằng làm gì có lũ mà để đê cao "lềnh khềnh" thế, hạ đi phục vụ phát triển kinh tế, người dân đi lại tiện hơn.
Khi đó, tôi đã gặp và phỏng vấn rất nhiều chuyên gia thủy lợi, trong đó có các Giáo sư, tiến sỹ từng là lãnh đạo của Bộ Thủy lợi (cũ) đều lên tiếng: Không thể hạ cốt đê tùy tiện. Một chuyên gia nói: Tần suất lũ được dự báo, tính toán có độ dài lên tới hàng trăm năm, nên việc thiết kế xây dựng các công trình đê ngăn lũ cũng được tính toán tương tự, chứ không thể nhìn thấy trước mắt không có lũ mà tùy tiện thay đổi hệ thống đê được.
Thậm chí, tại tỉnh Bắc Ninh, cách đây mấy năm, UBND tỉnh này còn từng đề xuất làm dự án xây dựng sân golf Đình Tổ- nằm ngoài đê sông Đuống, kết hợp với các công trình… nghỉ dưỡng, resort. Báo điện tử Dân Việt cũng từng lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn đề này và sau đó dự án đã bị tạm dừng. Và nếu công trình đó được xây dựng, thì hiện đã… chìm trong nước lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thoát lũ.
Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng vi phạm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ diễn ra như… cơm bữa, dư luận liên tục lên tiếng nhưng mọi sự việc vẫn chỉ dừng lại ở mức… phản ánh. Theo số liệu của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), tình trạng vi phạm đê điều ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở TP Hà Nội với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, trên quy mô lớn hơn. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, tổng số vụ vi phạm ở Hà Nội là 458, đã xử lý 76 vụ, tồn đọng 382 vụ (83,4%). Năm 2023, Hà Nội xảy ra 59 vụ nhưng còn tồn đọng đến 51 vụ.
Theo đánh giá của Phòng Quản lý đê điều, trước đây các công trình xây dựng vi phạm ở bờ bãi sông ít, quy mô nhỏ lẻ. Nhưng hiện nay tình trạng vi phạm phức tạp, với nhiều công trình vi phạm có quy mô lớn. Có những nhà to, rộng đến cả nghìn mét vuông. Các bến bãi vật liệu, và đặc biệt là tình trạng đổ phế thải, trạc thải lấn chiếm bờ bãi sông diễn ra ở nhiều nơi.
Có thể điểm đến những vi phạm điển hình về đê điều, đó là: Tự ý xây dựng các công trình ngoài đê với quy mô lớn, kiến cố, tập kết vật liệu bừa bãi. Thậm chí, có nơi trong khuôn khổ hàng lang an toàn đê, người dân còn xây dựng cả trạm trộn bê tông, nhà xưởng sản xuất gỗ, chuồng trại chăn nuôi, lò gạch, nhà ở…
Đấy là còn chưa kể, tình trạng khai thác cát trên các lòng sông diễn ra triền miên với những tàu công suất lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ, dẫn đến thay đổi, biến đổi dòng chảy của sông, làm sạt lở các khu vực gần hệ thống đê.
Với tầm quan trọng của hệ thống đê, để quản lý nhà nước thống nhất về vấn đề này, từ năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Đê điều (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020), rồi tiếp đến là Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai với những quy định, chế tài xử lý vi phạm rất rõ ràng.
Dân Việt đã từng có loạt bài về vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng ở Hà Nội. Sau đó trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam đã khẳng định: "Việc bảo vệ hành lang thoát lũ sông Hồng là rất cần thiết bởi còn liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh Quốc gia. Mọi công trình vi phạm nằm trên không gian, hành lang thoát lũ sông Hồng phải được xử lý, giải phóng, trả lại hiện trạng ban đầu. Các công trình này sẽ gây cản lũ khi mùa mưa bão tới, đe dọa tới người dân Thủ đô".
Theo ông Thắng, những năm gần đây Việt Nam đã xây dựng một số hồ chứa lũ lớn ở thượng nguồn nên việc điều tiết lũ đã tốt hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nhiều người có phần buông lỏng, chưa quan tâm đến vấn đề mưa lũ. Một minh chứng thấy rõ nhất là những trận lũ gần đây đều xuất hiện ở tháng 10, theo quan niệm mọi người, ở thời điểm này là đã vào mùa khô. Lúc này các hồ chứa tích nước cũng đã đầy. Vì vậy, nếu như lũ xuất hiện sẽ rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, siêu bão Yagi đổ bộ thẳng vào các tỉnh miền Bắc và Hà Nội nước ta là một ví dụ. Sau bão, là tình trạng mưa, lũ diễn ra rất nghiêm trọng, trong đó lũ trên nhiều con sông đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1968, 1971. Nhiều địa phương như Yên Bái, Thái Nguyên... bị lũ tàn phá nặng nề.
Tại Hà Nội, dù lũ trên sông Hồng mới vượt báo động 2 nhưng đã khiến ngập lụt hàng trăm hộ dân ngoài đê, cả thành phố lo lắng, nếu nước lũ tiếp tục lên. Nếu cứ theo phương án hạ cốt đê của Hà Nội, không biết khi lũ đạt đỉnh tình hình sẽ thế nào ?
Chưa kể, vẫn còn đó hàng trăm, hàng nghìn công trình vi phạm hành lang đê điều, hàng lang thoát lũ vẫn tồn đọng từ năm này qua năm khác chưa được xử lý. Cơn lũ lần này như một lời nhắc nhở chúng ta, trị thủy là việc tối quan trọng từ xưa đến nay, sau đợt lũ này, vấn đề đầu tư cho hệ thống đê điều cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt cần xử lý dứt điểm những công trình, hành vi vi phạm đê điều vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay.
Để đến khi nghe tin về lũ, chúng ta vẫn yên tâm rằng, cuộc sống của chúng ta hiện nay, của con cháu chúng ta cả trăm năm sau vẫn được an toàn dưới những con đê vững chãi, kiên cố mà cả nghìn năm lịch sử mới xây dựng nên.