Tôi đón con gái những ngày đi học đầu tiên của năm học mới. Dưới cái nắng vàng óng như mật mặt con gái đỏ nựng hân hoan: "Ba ơi, con được vào đội văn nghệ để tập luyện chương trình chuẩn bị đón Tết trung thu. Chúng con sẽ được đi rước đèn, được ăn bánh nướng, bánh dẻo".
Nụ cười của con trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên hòa vào trong gió, lấp lánh như mùa thu tươi đẹp. Bất giác những lời của con khiến ký ức tôi chơi vơi những hoài niệm về tuổi thơ "dữ dội" những năm tôi và em trai còn nhỏ.
Tôi cũng trạc tuổi lên 10 của con gái bây giờ, ký ức của mùa thu. Ký ức về chiếc bánh trung thu "ngon nhất đời" tôi được bố mua tận Thủ đô. Ngày ấy, niềm vui của tụi trẻ con chúng tôi mỗi dịp Tết trung thu gần kề sẽ là những chiếc đèn ông sao năm cánh xinh xắn, là những chiếc mặt nạ, chiếc súng nhựa bắn nước hay giản dị và đầm ấm hơn cả chính là đêm trăng rằm cả nhà tôi trải chiếu ngồi dưới sân để thưởng thức chiếc bánh đa dừa.
Nhưng năm ấy, năm 1992 Tết trung thu nhà tôi sang xịn mịn đầy tự hào hơn cả khi có sự hiện diện của chiếc bánh trung thu bố tôi mua tận Hà Nội,...Khỏi phải nói mùa trung thu cổ tích năm ấy tôi và em trai lên 8 sung sướng biết nhường nào bởi sau bao ngày xa nhà bố tôi tự "đặc cách" về thăm nhà vài hôm.
Bố về đúng dịp chỉ còn gần một tuần nữa là tới Tết trung thu nên cả tôi và em trai khi vừa thấy bóng bố nơi đầu làng, cái bóng xiêu vẹo, thân thương dưới ánh chiều chạng vạng. Bố nở nụ cười tươi rói khi nghe tiếng reo hò của hai anh em tôi.
"Về nhà nhanh nào, bố có quà cho hai đứa. Nhưng nói trước là chưa được ăn ngay, phải chờ tới trung thu đấy nhé". Trong cái ba lô cũ mèm, đôi chỗ đã thủng được mẹ khâu lại cẩn thận đang tỏa ra thứ hương thơm ngào ngạt. Hương thơm của tình phụ tử đầy yêu thương.
Bố mang quà Hà Nội về cho hai anh em chúng tôi, cặp bánh trung thu thơm lừng nhũn nhặn nơi chiếc hộp giấy đơn sơ và được "bảo vệ" bởi lớp túi bóng. Chiếc bánh nướng nằm cạnh chiếc bánh dẻo thơm mùi nếp mới. Vậy là, Tết trung thu nhà tôi đã tới thật gần và trung thu năm nay của nhà tôi có mùi của " trung thu Thủ đô" đẹp lấp lánh.
Bố tôi là vậy, từ ấu thơ cho đến tận bây giờ ông yêu chúng tôi bằng tình yêu của sự thầm lặng chỉ có thể cảm nhận qua ánh mắt, cử chỉ hay sâu sắc hơn là nơi trái tim ấm nồng. Lặng thầm trải một đời thương cho dù những ngày xưa ấy bố đau ốm liên miên và mất nhiều ngày tháng bố phải chọn Hà Nội làm " ngôi nhà thứ hai" để trị bệnh,...
Mẹ tôi kể, chẳng biết nguyên nhân do đâu mà ngày ấy khi tôi vừa bước sang tuổi thứ 10 bố tôi bị bệnh nặng. Bố nửa tỉnh nửa mê không nhớ được mẹ cũng chẳng nhớ hai anh em tôi.
Mẹ bảo bác sĩ Hà Nội chẩn đoán bệnh của bố cần nhiều thời gian, không thể gấp gáp và cũng chẳng thể sốt ruột ngày một ngày hai. Vậy là, để bớt gánh nặng kinh tế và cũng vì năm ấy mẹ tôi đang mang bầu cô út. Sau một thời gian cùng bố chữa bệnh, mẹ phải về quê để lo cho hai anh em chúng tôi và cũng còn phải cày cấy, chạy chợ mới có tiền gửi ra Thủ đô cho bố nằm viện.
Có lẽ, ông trời thương tình bệnh của bố tôi dần thuyên giảm. Thấy Hà Nội có thể mưu sinh bố đã bàn với mẹ ở lại Thủ đô ít năm để làm kinh tế. Nói là làm kinh tế chứ thực chất công việc của bố khá vất vả. Bố làm chân bốc vác thuê ở bến xe Kim Mã.
Dần dà bố biết đường xá lại thông thuộc ngõ ngách Hà Nội bố kiêm luôn nghề chạy xe xích lô. Mỗi lần có dịp về nhà ít hôm thế nào bố cũng có quà cho anh em chúng tôi. Khi thì mấy chiếc bánh mì, lúc lại mấy chiếc bánh cốm xanh non thơm thơm mùi dầu chuối, dẻo dẻo mùi nếp cái hoa vàng hòa quện vị ngọt bùi béo ngậy của nhân đỗ xanh sần sật chút dừa non.
Thức quà Hà Nội của bố bao giờ cũng khiến anh em tôi reo hò sung sướng. Chúng tôi còn tự hào tới mức đi tới đâu gặp chúng bạn cũng kể chuyện được bố mua quà Hà Nội. Lũ bạn cùng làng tôi ngày ấy chúng nghe anh em tôi kể chuyện đứa nào đứa ấy mắt sáng ngời đầy ghen tị kèm theo câu: " hích thế mày có bố làm ở tận Hà Nội. Lại còn có quà Hà Nội nữa".
Thế rồi, đêm rằm trung thu cổ tích cũng đã tới. Niềm háo hức của tôi với em trai sắp thành hiện thực. Sau khi đi rước đèn cùng chúng bạn ngoài sân đình của làng hai anh em chạy về thật nhanh để được cùng mẹ với bố "phá cỗ".
Cặp bánh trung thu Hà Nội được mẹ đặt ngay ngắn nơi chính giữa mâm cỗ với nhiều loại quả cây nhà lá vườn như chuối, hồng, bưởi đã được bố dâng lên ban thờ tổ tiên lúc chập tối. Tôi với em chỉ chú ý tới hai chiếc bánh có mùi thơm "sang trọng" của Thủ đô. Bố còn kể: "Những chiếc bánh trung thu này chính là một phần ký ức của người Hà Nội. Là nét văn hóa ẩm thực, là tinh hoa mà những người yêu Hà Nội đã làm ra nó".
Bố còn giải thích cho hai anh em chúng tôi hai chiếc bánh có hình vuông là đại diện cho đất cùng niềm khao khát hạnh phúc, tự do của con người. Đồng thời, chiếc chúng còn mang ý nghĩa luôn có người thân bên cạnh, là sự tề tựu đông vui.
Là hình ảnh của sự đoàn viên và tình cảm gia đình luôn tròn đầy hạnh phúc. Hai chiếc bánh trung thu Hà thành truyền thống đều có nhân là nhân thập cẩm cổ xưa.
Được hít hà mùi thơm của miếng bánh nướng dậy mùi bột nhuyễn hòa quện cùng vị ngọt ngọt, mằn mặn của nhân bánh: một chút ngậy của miếng thịt mỡ thái hạt lựu, một chút ngọt của miếng mứt bí hòa cùng vị bùi bùi của hạt mứt sen, chút ngậy ngậy của hạt dưa hạt bí lại phảng phất mùi thơm quen thuộc của lá chanh, tất cả như tổng hòa tạo nên hương vị của sự đoàn viên mang chút hơi thở ấm cúng của tình thân gia đình.
Để rồi, chưa kịp thưởng thức hết miếng bánh nướng em trai đã với lấy miếng bánh dẻo vừa nhai vừa trầm trồ: "Bánh Hà Nội bố mua vừa dẻo lại thơm, quê mình không có bánh này mẹ nhỉ". Mẹ cười niềm vui rưng rưng khóe mắt. Bố vừa nhâm nhi miếng bánh mẹ đưa nhấp thêm ngụm trà bố tấm tắc: "Tôi mong trung thu nào nhà ta cũng đầm ấm đoàn viên sum vầy như vậy". Sau này lớn hơn trưởng thành hơn chúng tôi mới hiểu hết đức hi sinh lớn lao biển trời của bố mẹ dành cho mấy anh em chúng tôi,...
Để rồi, khi có dịp qua nhiều góc phố con đường của Hà Nội. Có dịp ghé thăm con phố "ngọt" nhất Hà Nội là phố Hàng Đường, con phố được mệnh danh "góc phố thơm mùi tinh hoa ẩm thực truyền thống" Thủ đô. Nơi đã "gánh gồng" một phần ký ức trong tôi về tuổi thơ có những món quà mang hương thơm, mùi vị Hà thành.
Tôi vẫn như thấy bóng dáng bố tôi đâu đây qua sự tần tảo, lam lũ của những người dân lao động khắp nơi được Hà Nội cưu mang đầy nhân từ, phúc hậu. Để lại thấy một bầu trời kỉ niệm, thấy những ký ức êm đềm, thấy hương vị bánh trung thu Hà Nội cùng ánh sáng lung linh nhiệm màu của ánh trăng rằm đêm trung thu cổ tích. Để rồi lại thấy yêu thương và trân trọng tình cảm gia đình. Thấy Hà Nội là một phần làm nên ký ức đẹp trong tâm khảm của những năm tháng xa xôi cổ tích.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Tham khảo thêm