Ký ức Hà Nội: Vườn Bách Thảo trong ký ức tươi đẹp của cô gái Hà thành

Nguyễn Thị Trâm (CHLB Đức) Thứ sáu, ngày 06/09/2024 10:16 AM (GMT+7)
Bảy mươi năm trước, sau ngày giải phóng Thủ đô, mẹ tôi đã cho hai chị em đến cổng vườn Bách Thảo để chụp ảnh. Đây cũng là nơi tôi gắn bó, có nhiều kỷ niệm đẹp lưu giữ cho đến ngày nay...
Bình luận 0

Năm 2021 sau ngày Tết, vợ chồng tôi đi xe buýt xuống phía đầu đường Thanh Niên rồi đi bộ sang vườn Bách Thảo. Vừa bước qua cổng, chồng tôi thốt lên "Oh! Es ist interessant" (Ôi! thật là thú vị), ông ngồi dính chặt vào cái ghế đá giữa hai hàng cây già nua.

Mắt chồng tôi sáng lên trước mặt hồ dập dờn những cánh chim câu trắng đàn đúm uốn lượn qua lại. Tôi thì đang nao nao trở về ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ trong khu vườn tiên cảnh này. Tôi chạy nhanh như lắp motor vào chân tới khu vui chơi thuở nhỏ, cành lá lao xao vẫy chào, dâng trong tôi những cung bậc cảm xúc, hơi thở thảo mộc đọng thành sương trên lá như giọt thương đón người xưa trở về.

Bảy mươi năm trước, Thủ đô giải phóng tháng mười thì ngay Tết năm đó mẹ tôi đã cho hai chị em tôi đến cổng vườn Bách Thảo để chụp ảnh, lúc chụp ảnh phải cười chúm chím. Cổng vào vườn Bách Thảo thuở đó sau này được nối liền với khu Quảng trường Ba Đình, giờ là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành phố nhanh chóng cải tạo nơi giải chí độc tôn của người Pháp thành sân chơi chung của người Hà Nội. Những trụ gỗ chơi đánh đu được thay bằng các cột xi măng cốt thép. Tôi không ngờ 70 năm qua giờ vẫn còn nguyên. 

Hình ảnh cô bé buộc tóc đuôi sam thỉnh thoảng "thò lò mũi" đang cùng bạn nhún người bay dần lên cao rồi vụt xà xuống trong lòng cầu vồng, tiếng cười hí hí há há liên tục vang lên giữa thinh không ngày tết, phía dưới còn rất nhiều thanh niên và những đứa trẻ khác xếp hàng dài chờ đến lượt được "bay" với cái đu này.

Kia nữa, cái cầu tụt bằng xi măng màu lõi chì vân trắng vẫn đây. Những ngày hội có cả cây ném còn của các cô chú với quần áo dân tộc thi ném quả còn qua vòng tròn tít trên cao, có cả các chú bộ đội tham gia. Tôi lặng đi, ngắm nhìn từng khoảnh đất hồi tưởng những thước phim ký ức tua lại trong bộ nhớ… Có khóc đâu nhưng trong lòng rưng rưng… Bách Thảo giờ đẹp ơi là đẹp, nhớ ơi là nhớ.

Bên kia hồ, một cây đa khổng lồ trăm năm tuổi thân cây nổi nhiều múi lớn xuống tận gốc, dây rợ trên các nhánh cây nối liền với đất. Khoảng năm 1976 hãng phim truyện Việt Nam sản xuất phim "Sao tháng 8" đã quay cảnh đám tay sai của Nhật theo dõi chị Nhu – nữ cán bộ cách mạng ở bên cây đa này và cảnh chị Nhu đóng giả nữ nông dân đánh rậm dưới hồ để che mắt bọn chúng.

Gần đó là cái sân khấu ngoài trời, phía sau sân khấu có chuồng voi xây tường kiên cố, rồi chuồng hổ tròn với song sắt, chuồng hươu sao, chuồng gấu, đi chừng chục mét là cái chuồng tròn nuôi chăn, chuồng nuôi khỉ đuôi dài, khỉ đít đỏ, gần Núi Sưa (Núi Nùng) có các chuồng nuôi vẹt, nuôi các chú chim quý…

Sau năm 1975, các chủng loại thú được chuyển đến vườn Thủ Lệ ở Cầu Giấy, cái tên "Vườn Bách thú" dần dà không ai nhắc chỉ còn tên "Vườn Bách Thảo" trở nên đúng nghĩa hơn bởi trong này rất nhiều cây gỗ quý và các loại cây thảo dược. Những làn đường nhỏ ôm ven hồ, uốn quanh Núi Nùng có đoạn cong theo các trảng cỏ rất giàu tính nghệ thuật cho các bức ảnh. Không nhớ biết bao lần tôi cùng bạn học ở trường Việt Nam – Cu Ba leo lên Núi Nùng chơi bịt mắt bắt dê và nhẩy nhót hò hét.

Vườn Bách Thảo là nơi khu đoàn Ba Đình (sau là Quận Đoàn) tổ chức nhiều cuộc thi và các hoạt động khác: Khi tuổi thành niên, chúng tôi từng tập ném lựu đạn, thi chạy điền kinh quanh Núi Nùng, nhiều buổi phổ biến chương trình hoạt động đoàn thanh niên, những buổi các tổng đội phụ trách thiếu nhi tập nghi thức cơ bản khẩu lệnh, hiệu lệnh, động lệnh, tập thực hành đánh trống chỉ huy đội, trống chào mừng, trống đệm hát Quốc ca, trống hành tiến để dạy lại các em thiếu nhi dịp hè... và nhiều hoạt động khác diễn ra tại đây.

Năm 1970 trong một lần chúng tôi tham gia cuộc thi cắm trại, tôi đang cắt giấy màu trang trí trên lều trại bằng vải, sắp đến giờ ban giám khảo đi chấm thì anh Đông ở phường Thụy Khuê đến cười cười "Tớ đau bụng quá, cho xin ít thuốc đỏ để bôi…". Mấy bạn gái ngồi phụ cho tôi cười khúc khích. Tôi nghe tiếng nói biết là ai rồi không ngước nhìn, tôi nói "Sắp hết giờ trang trí rồi. Đừng gây sự, đây mới tập mấy môn võ dân phòng… muốn ăn "chưởng" không?"

Ký ức Hà Nội: Vườn Bách Thảo trong ký ức tươi đẹp của cô gái Hà thành - Ảnh 1.

Hàng cây xanh cổ thụ trong vườn Bách Thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Mấy đứa trong ban chấp hành của tôi cười phá lên. Anh bạn Đông hết đùa, ngồi xuống nói "Bạn trang trí cầu kỳ quá, thế này còn lâu mới xong". Sau khi đoàn kiểm tra đi chấm điểm thì lều của Đông chẳng có điểm nào vì quá đơn giản, lều của tụi tôi đạt giải nhì. Đến trưa, tụi tôi đang ngồi tập hát, Đông lại đến đứng cửa lều tủm tỉm "Mình tặng bạn quả thị này", tôi hí hửng "Đâu?", anh Đông giơ cái lưới cước màu đỏ có quả thị, tôi ngước lên hít hít "Thơm quá".

Anh chàng khác đi cùng Đông ở sau vai chĩa máy ảnh chụp quả thị trước mũi tôi. Tháng sau Thành đoàn tổ chức cho các cán bộ tổng đội phụ trách thiếu nhi tham quan trên Tam Đảo. Khi ngồi trên xe anh bạn Đồng đưa cái ảnh chụp tôi đang ngỏng cái cần cổ hít quả thị nhưng ngôn ngữ trong ảnh không phải là đang "hít" mà cái miệng của tôi đang há ra như đón ăn quả thị, vì lúc đó đang nói "Thơm quá". Không ai nhịn được cười, rất may là ảnh bị mờ nhìn không rõ mặt, mấy bạn khác hỏi "Trong ảnh là ai?". 

Nhiều công trình xưa của đất Kinh kỳ bị phá đi, nhưng quận Ba Đình vẫn giữ những chứng tích tuổi thơ người Hà Nội của thập niên 1960 trong vườn Bách Thảo thật là vô giá.

Năm 1973, cơ sở làm việc của tôi trên đường Hoàng Hoa Thám gần Cục Điện ảnh, hằng ngày, tôi đi tàu điện nhưng những tháng ngày Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thi công, gió vườn Bách Thảo như có sức thần biến tải âm thanh tha thiết truyền khắp vùng các bài hát về Bác, tôi đi làm sớm hơn bình thường thả bước ven vườn Bách Thảo thâu hết vào tâm những làn điệu chứa chan tình yêu về Bác:

"Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ thuở chiến khu Bác về. Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê, đều in dấu dép Bác về, Bác ơi…" (nhạc sĩ Văn An), "Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác. Nở ngàn hoa chiến công dâng lên Người…" (nhạc sĩ Huy Thục), "…Hát nữa đi hỡi em cho vọng mãi đất trời, điệu hò sông nước xao xuyến tình đất nước gợi bóng hình của Bác với bè bạn năm Châu…" (nhạc sĩ Trần Hoàn)… tim tôi cứ run rẩy nghe các lời ca ấy, ngày nào qua đây cũng vậy.

Đã quá giờ trưa, chồng tôi vẫn bình thản ngồi đây, không có tiếng còi xe, không ồn ào, "chánh niệm" trong không gian đẹp như mộng thế này khó đứng lên buông ra…

Tôi may mắn được lớn lên cùng vườn Bách Thảo, như chưa bao giờ là ký ức xa xôi, luôn nuôi dưỡng những tháng năm đẹp đẽ trong tuổi thơ và tuổi trẻ, mãi là kho tàng giá trị nhất trong tâm hồn không mây mù nào có thể che khuất.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem