Làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được biết đến là làng gốm nổi danh đất Kinh Bắc có lịch sử khoảng 700 năm. Các sản phẩm gốm nổi bật bởi vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, màu men tự nhiên bền, lạ.
Con sông Lục Đầu hàng ngày vốn hiền hoà bình yên là thế, chỉ sau cơn bão số 3, nước tại sông dâng cao khiến các con đường, nhà cửa, nhà xưởng tại làng gốm chìm trong nước. Những sản phẩm gốm quý giá, vốn được làm ra từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân Phù Lãng phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Thuý Ngọc (32 tuổi, ở Phù Lãng) cho hay, 2 hôm nay, nước rút nhanh, người dân làng Phù Lãng hối hả dọn dẹp để sớm tìm cách phục hồi các sản phẩm, rửa những bình bị bùn đất bám, còn các sản phẩm chưa nung bị chảy thì cào gọn đợi khô, vớt vát được chút nào hay chút đó.
"Hàng gốm chưa nung nhà tôi bị chảy sập nhiều, khoảng 1000 chiếc, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, các sản phẩm gốm đã nung cũng đổ vỡ do nước dâng cao xô vỡ. Sau khi nước rút, nhà xưởng bị sụt lún, nứt gãy. Tổng thiệt hại tôi chưa ước tính hết", chị Ngọc xót xa.
Anh Phạm Duy Thanh (40 tuổi, ở Phù Lãng) cho biết thêm, ngập lụt đã làm thiệt hại nặng tới 4-5 đầu hàng của gia đình anh, làm hỏng 4 lò gốm là những sản phẩm chuẩn bị được đem vào nung, chưa kể các hàng để kê, hàng chín rồi cũng bị đổ vỡ, thiệt hại khoảng gần 500 triệu đồng.
Ngoài gây ảnh hưởng tới sản phẩm gốm, nước lũ dâng cao đã làm tăng sự xói mòn và mất ổn định của nền đất, dẫn đến tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Nhiều xưởng gốm bị nghiêng lệch, làm hư hại thiết bị và máy móc chế tác, cũng như các sản phẩm gốm đã hoàn thiện. Ngoài ra, đất đai bị lún cũng gây ra nguy cơ mất an toàn cho các công trình còn lại và làm tăng khó khăn trong việc khôi phục sản xuất.
"Từ chiều qua, nước rút, gia đình tôi được các đoàn thiện nguyện đến hỗ trợ dọn dẹp, cào gọn hàng đã bị vữa và tái sử dụng lại khi chúng khô ráo", anh Thanh nói.
Nhìn các sản phẩm đã hoàn thiện thì bị đổ vỡ, những sản phẩm chưa nung thì chảy thành đất, cơ sở sản xuất bị nứt toác, sụt lún... người làng gốm, ai ai cũng não nề. Nhưng giờ đây họ cũng chỉ biết nỗ lực dọn dẹp dù vất vả, để mong sớm ổn định lại sản xuất, đảm bảo các quy trình chế tác gốm không bị gián đoạn thời gian dài.