Hà Nội: Quất Tứ Liên ảnh hưởng nặng do ngập sâu, người làm vườn xót xa
Hà Nội: Quất Tứ Liên ảnh hưởng nặng do ngập sâu, người làm vườn xót xa
Nhật Hà
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 09:00 AM (GMT+7)
“Nhà nông chúng tôi vất vả lắm, ngập úng hết rồi, bây giờ tôi còn không biết sống bằng cái gì từ giờ tới Tết đây, khó khăn lắm”, người trồng quất rầu rĩ.
Ông Nguyễn Gia Thành (người trồng quất tại Tứ Liên) bất an khi vườn quất nhà mình bị ngập úng. Clip: Nhật Hà
Quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) nơi được coi là "thủ phủ" quất của người dân Thủ đô, những ngày qua chìm trong biển nước do mực nước sông Hồng dâng cao, vườn quất có nguy cơ bị úng hỏng tới 80%, thiệt hại lên tới cả tỉ đồng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Gia Thành (74 tuổi, ở Tứ Liên) ngậm ngùi, ông đã làm nghề trồng quất cảnh từ rất lâu rồi, nhưng giờ mới thấy trận lụt to như thế, liên tục 3 ngày liền. Hôm nay khi thấy nước rút được một chút, ông tranh thủ bơm nước để rửa, rửa quả xem có cứu vãn được chút nào không.
"Nếu cây sống được thì sang năm đỡ khổ, nếu cây không sống được thì phải đi mua giống. Mà hiện giờ cây chết nhiều do bị ngâm trong nước bẩn thế này thì lấy đâu ra cây giống. Để mà bù vào đây là rất khó khăn", ông Thành buồn bã.
Vườn nhà ông Thành có 2000 cây quất (gồm quất đất, quất chum và quất bonsai), tiền giống tối thiểu phải mất 300 triệu. Những cây giống nhỏ trồng bonsai tạo dáng nghệ thuật phải mua với giá hơn 100 nghìn/cây, cây giống to hơn để trồng quất chum lên tới 1 triệu/cây, còn quất trồng thẳng dưới đất ông Thành phải chi tới 1,5 triệu đồng/cây.
"Nhà nông chúng tôi một nắng hai sương vất vả lắm, khổ lắm. Cả nhà tôi mấy hôm vừa rồi huy động cả nhà 14-15 người ra để chuyển những chậu quất cảnh lên vị trí cao hơn. Chuyển xong thì ngay chiều tối hôm đó, ngập phăng hết cả, chỗ ngập sâu nhất là hơn 2 mét. Bây giờ tôi còn không biết sống bằng gì từ giờ tới Tết đây", ông Thành lo lắng.
Nỗ lực phục hồi quất Tứ Liên khi nước dần rút
Cùng chung tâm trạng với ông Nguyễn Gia Thành, bà Phạm Thị Bình xót xa khi nhìn vườn quất 2000 cây bị ngập nặng. Trước khi bị ngập, bà đã chi số tiền lớn để thuê người vác bình/chậu quất lên cao hơn nhưng vẫn bị ngập.
Hiện tại, vườn nhà bà Bình chỉ còn 20% số quất cảnh khả quan, còn lại 80% bị hỏng. Số cây quất bị hỏng cần phải khắc phục bằng cánh rửa lá để cứu lấy giống cây, phục hồi bộ rễ, còn các cành cây sẽ hỏng hết. Khi nắng lên, quả và lá sẽ bị cháy, héo lại và rụng dần.
"Số tiền đầu tư tốn rất nhiều, ngoài tiền cây giống, tiền phân lân, tiền thuê mướn người làm, đầu tư chậu … cho nên giờ tôi phải cố gắng vớt vát thôi chứ chẳng còn cách nào khác", bà Bình chua xót.
Còn bà Phương Anh cho biết thêm, quất ngập trong nước mấy ngày bị cháy hết lá và quả, bà con ở đây thiệt hại nặng nề, có những hộ có 1 vườn thì ngập hết, còn nhà bà Phương Anh có tổng cộng 3 vườn quất, nhưng chỉ còn 1 vườn sống sót.
Theo bà Phương Anh, cũng như cách làm của các hộ trồng quất khác, để khắc phục, trước tiên cứ rửa lá rửa quả cho sạch, rồi hỏng đến đâu thì tỉa bớt đến đó. Còn cây nào đã bị ngập sâu thì bỏ hẳn chứ không thể cứu được.
Bầu trời có chút nắng, những người làm vừa bước đi nặng nhọc giữa dòng nước ngập sâu, đục ngàu, vừa hướng ánh mặt đầy buồn bã và lo âu ra khu vườn phía bãi sông nơi cả gia tài vẫn chìm nghỉm trong mênh mông biển nước mà chưa biết lúc nào mới rút hết. Không buồn bã sao được khi vườn cây tiền tỉ mình chăm sóc gần 1 năm đã cho ra quả, bao nhiêu tiền đầu tư đã chi ra, giờ có khả năng bay theo dòng lũ dữ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.