6/6 nhà máy điện mặt trời đều vi phạm về đất đai, xây dựng…
Ngày 12/9/2024, báo Dân Việt đã đăng bài: "Bình Phước: Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm tại dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3". Nội dung bài báo phản ánh việc 4 cán bộ ngành thuế tỉnh Bình Phước vừa bị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng" tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 (do Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 làm chủ đầu tư).
Bốn cán bộ ngành thuế tỉnh Bình Phước bị khởi tố bị can gồm: Nguyễn Duy Khánh – phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Phước; Trần Văn Định – Trưởng phòng thanh tra, kiểm tra 3; Phan Văn Sang – công chức phòng thanh tra, kiểm tra 3 và Phạm Quang Vinh – phó Trưởng phòng nghiệp vụ dự toán pháp chế (thuộc Cục thuế tỉnh Bình Phước).
Những bị can có tên trên bị Bộ Công an kết luận có hành vi gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 145,1 tỷ đồng, là tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cho Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3. Tuy nhiên, trước khi Bộ Công an vào cuộc, ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 3116/TB-TTCP, kèm Phụ lục số 03 thông báo Kết luận thanh tra tại tỉnh Bình Phước.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho biết 6/6 dự án nhà máy điện mặt trời tọa lạc tại 2 xã Lộc Thạnh và Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đều mắc vi phạm, khuyết điểm…
Theo Thanh tra Chính phủ, không chỉ nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 vi phạm về đất đai xây dựng nhà máy. Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 4, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 240 ha (do Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 4 làm chủ đầu tư) cũng có vi phạm về đất đai. Trong tổng số 240 ha đất dự án, thì 63 ha chưa được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê đất, doanh nghiệp vẫn triển khai xây dựng dự án. Việc này vi phạm khoản 1, điều 2 – Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, về điều kiện khởi công xây dựng dự án, các nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Bình Phước cũng vi phạm hàng loạt. Theo đó, các dự án nhà máy điện mặt trời: Lộc Ninh 3, Lộc Ninh 4 và Lộc Ninh 5 chưa được bàn giao mặt bằng thi công, chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng UBND tỉnh Bình Phước lại "thống nhất chủ trương" cho các chủ đầu tư "triển khai thi công một số hạng mục" (?). Điều này vi phạm điểm a, điểm b – Điều 107 – Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
Mặt khác, không tiến hành kiểm tra thực địa, nhưng Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước vẫn cấp Giấy phép xây dựng cho Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 4 và Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 5.
Vội vã xây dựng nhà máy để được bán điện giá cao trong 20 năm
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết: Sở dĩ xảy ra các vi phạm cố tình… "tiền trảm, hậu tấu" trên, là nhằm "ảnh hưởng" đến tiến độ thi công dự án để các nhà máy điện mặt trời kịp thời đạt "ngày vận hành thương mại" (COD) trước các mốc thời gian (ngày 1/7/2019 và ngày 1/1/2021). Từ đó, chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mới được áp dụng, hưởng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
Thí dụ: Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 đến thời điểm thanh tra (năm 2023) vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng 149,5 ha rừng sản xuất, chưa được thuê đất, nhưng công ty này đã vội vã xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 (vận hành thương mại ngày 24/12/2020).
Nhờ đó, điện được sản xuất từ Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua lại với giá 7,09 UScent/kWh. Trong khi đối chiếu theo quy định tại khoản 2, điều 6 – Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi trên.
Theo Thanh tra Chính phủ: Việc chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời và Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) công nhận ngày vận hành thương mại (COD), đưa nhà máy điện vào sử dụng và mua điện của 6/6 nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Bình Phước (với giá cố định 7,09 UScent/kWh, áp dụng liên tục trong 20 năm); khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công thương) kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, kết luận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng và sẳn sàng bán điện, là vi phạm hàng loạt quy định của luật pháp.
Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và mua điện của 6/6 nhà máy điện, trong khi tại các nhà máy điện xuất hiện nhiều vi phạm quy định pháp luật. Mục đích là để cho các nhà máy điện mặt trời được hưởng giá bán điện cố định trong suốt thời gian 20 năm và được ưu tiên mua hết sản lượng điện từ các nhà máy, là vi phạm Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Hành vi trên cũng vi phạm khoản 2, Điều 6 – Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, ngoài những kết luận của Thanh tra Chính phủ, thì theo "Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố", trong Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố (liên quan đến tỉnh Bình Phước). Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã cho rằng: Có nguồn tin "về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân có liên quan tại Công ty Mua bán điện, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong việc công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án điện mặt trời và thành lập công ty "sân sau" để tạo đường dây làm ăn và đứng ra giao dịch với các chủ đầu tư, nhà thầu…
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiếp nhận thêm nguồn tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, về dấu hiệu "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước.