Dân Việt

Cho tôm sú, cua biển "chung nhà" với cá đối ở Hà Tĩnh, con nào cũng ngon, cứ 1ha dân lãi hơn 250 triệu đồng

Tập Thỏa 18/09/2024 05:29 GMT+7
Mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối tại xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh được đánh giá tích cực khi đầu tư thấp, ít dịch bệnh lợi nhuận cao và phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương.

Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh tổ chức hội thảo đánh giá mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối đối tại xã Thạch Hưng. Mô hình có chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng/ha, dự kiến cho thu lãi hơn 250 triệu đồng/ha.

Nuôi thủy sản xen ghép cho lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha, hướng đi mới cho nông nghiệp TP Hà Tĩnh- Ảnh 1.

Đại biểu tham quan mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối trên diện tích 1 ha tại hộ ông Trương Thế Cương, xã Thạch Hưng. Ảnh: PV

Gia đình anh Trương Thế Cương, trú tại thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng tiến hành nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối trên diện tích 1ha. Mật độ giống thả tôm sú 10 con/m2, cá đối 0,5 con/m2, cua 0,5 con/m2. Sau thời gian khoảng 5 tháng nuôi, mô hình đạt kết quả tích cực.

Tôm sú sống khỏe, với tỷ lệ hơn 80%, trọng lượng đạt 25-35 con/kg, năng suất 1,4 tấn/ha. Cá đối có tỷ lệ sống trung bình 75%, trọng lượng đạt 2,5-3 con/kg, năng suất 1,8 tấn/ha và cua tỷ lệ sống gần 60%, trọng lượng đạt 2,5-3 con/kg, năng suất gần 500 kg. 

Nuôi thủy sản xen ghép cho lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha, hướng đi mới cho nông nghiệp TP Hà Tĩnh- Ảnh 2.

Cá đối có tỷ lệ sống trung bình 75%, trọng lượng đạt 2,5-3 con/kg, năng suất 1,8 tấn/ha. Ảnh: PV

Ông Trương Thế Cương, trú tại thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, cho biết: "Ưu điểm nổi bật của phương thức nuôi ghép, các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường.

Góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao, quản lý tốt, phục hồi môi trường các vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững".

Mô hình nuôi xen ghép này theo hướng an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường. Đồng thời góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở TP Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cá, tôm sú, cua thương phẩm tương đối thuận lợi, đây đều là các loài thủy sản đang được thị trường ưa chuộng .

Nuôi thủy sản xen ghép cho lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha, hướng đi mới cho nông nghiệp TP Hà Tĩnh- Ảnh 3.

Mô hình có chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng/ha, dự kiến cho thu lãi hơn 250 triệu đồng/ha. tại TP. Hà Tĩnh Ảnh: PV

Từ những kinh nghiệm thực tiễn của mô hình trình diễn nuôi xen ghép tôm, cua, cá đối , thời gian tới, Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra một số địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ nuôi trồng thủy sản ở thành phố Hà Tĩnh nhân rộng những mô hình nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như: cá đối, cua xanh với tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có giá trị hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và tạo sự phát triển ổn định, bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở thành phố Hà Tĩnh.